vĐồng tin tức tài chính 365

Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt”

2021-12-02 09:05

Hội thảo có sự tham dự và chỉ đạo của ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN, ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và ông Phạm Đức Long – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo của các Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông, Vụ Pháp chế… thuộc NHNN; đại diện lãnh đạo các ban của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; các nông dân Việt nam xuất sắc năm 2021 và khách mời trực tuyến đến từ các điểm cầu trên toàn quốc. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công thương, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng, công ty viễn thông, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam 2021” được tổ chức thường niên và trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Đề án đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chỉ tiêu cụ thể như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM mặt đạt 20 - 25%/năm…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho rằng, trong vài năm trở lại đây, TTKDTM được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn, thay thế cho phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản khiến việc phổ cập phương thức TTKDTM ở khu vực nông thôn gặp khó khăn nếu như không có các giải pháp quyết liệt từ các bộ, ngành có liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian qua NHNN đã nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách. Đề án, quy định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa như: hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC), giúp cho người dân mở tài khoản thanh toán mà không cần đến điểm giao dịch ngân hàng; thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 03 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, VNPT và Mobiphone triển khai thí điểm dịch vụ này; xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP trong đó đề xuất quy định về hoạt động đại lý thanh toán, qua đó tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi không có chi nhánh ngân hàng được tiếp cận, sử dụng dịch vụ TTKDTM.

C:Usersanh.nguyenmai2Desktoptoàn cảnh HT.jpg

Toàn cảnh hội thảo

Trong những năm qua, hạ tầng kỹ thuật thanh toán bao gồm Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử được chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt và được mở rộng kết nối đến tất cả các địa bàn tỉnh, thành phố trên cả nước đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp và bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, Mobile Money… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai qua đó góp phần nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho người sử dụng dịch vụ. NHNN cũng đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình TTKDTM ở khu vực nông thôn với 03 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã lắng nghe các bài tham luận của các diễn giả từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) về “Giải pháp phát triển TTKDTM khu vực nông thôn”, Công ty viễn thông Quân đội Viettel về “Phương thức thanh toán mới – Mobile Money” và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) về “Vietinbank - thúc đẩy TTKDM” để thấy việc triển khai các cơ chế chính sách, những sản phẩm dịch vụ mới được triển khai như thế nào trong thực tiễn nhằm đem đến cho người nông dân, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa các giải pháp TTKDTM hiện đại, tiện lợi. Phần hỏi đáp cũng là dịp để các cơ quan quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ lắng nghe, giải đáp những thắc mắc của người nông dân trong việc sử dụng các dịch vụ TTKDTM, từ đó gợi mở những đề xuất về định hướng, giải pháp phù hợp để phát triển TTKDTM trong thời gian tới.

Tăng cường truyền thông TTKDTM tới người dân

Trao đổi sôi nổi các kiến nghị thắc mắc của người dân về vấn đề an toàn bảo mật thông tin của người sử dụng, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán cho hay, NHNN cam kết mọi quy định, chính sách đều đặt yếu tố đảm bảo an ninh, an toàn lên hàng đầu. Có an ninh, an toàn thì mới có lòng tin vào các dịch vụ thanh toán điện tử, trong đó có các dịch vụ mới như Mobile Money, trung gian thanh toán. NHNN rất quan tâm đến điều này trong quá trình xây dựng chính sách. Rủi ro xảy ra trong quá trình cung ứng dịch vụ là không thể tránh khỏi, tuy nhiên các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các nhà mạng sẽ cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ ở mức cao nhất.

C:Usersanh.nguyenmai2Desktopc sen.jpg

Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN Lê Thị Thúy Sen trả lời kiến nghị của người dân

Trả lời câu hỏi về phương pháp truyền thông TTKDTM hiện nay tới người nông dân, bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết, Chủ trương chung của Chính phủ hiện nay là phát triển xã hội số, kinh tế số, theo đó phải có sự dịch chuyển chung về TTKDTM của cộng đồng, với khu vực nông thôn chiếm hơn 60% dân số, nên thay đổi phải trước hết phải từ khu vực này. Để thúc đẩy chiến lược TTKDTM, bên cạnh các cơ chế chính sách khác, truyền thông được xem là trụ cột quan trọng, nhằm đạt được mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn về không sử dụng tiền mặt.

Bà Sen cho rằng, muốn thúc đẩy không dùng tiền mặt ở nông thôn, trước hết phải quan tâm tới những vấn đề nông dân cần ở lĩnh vực này để truyền thông. Người dân nông thôn quan tâm nhất là sự thuận lợi, an toàn, dễ sử dụng của các tiện ích TTKDTM. Tiếp đó là các vấn đề về giải pháp an ninh, an toàn, bảo mật khi nông dân còn rất e dè về điều này. Chúng tôi sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường phổ biến các thông tin tới nông dân; truyền thông cho họ nhiều hơn về các tầng nấc bảo đảm an toàn, lợi ích để nông dân yên tâm sử dụng dịch vụ TTKDTM một cách tiện lợi nhất, an tâm nhất.

Mục tiêu truyền thông của ngân hàng là làm sao giúp nông dân sử dụng và hình thành hành vi thói quen TTKDTM, mỗi nông dân thay đổi thì nhiều nông dân thay đổi, tạo ra một cộng đồng dân cư nông thôn cùng không dùng tiền mặt.

"Với các băn khoăn của nông dân về phí, an toàn, cách thức sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt... chúng tôi sẽ thúc đẩy tuyên truyền, có các game show, các chương trình để truyền thông một cách trực quan, sinh động để nông dân làm theo. Nông dân có giao dich lần đầu thì sẽ có giao dịch có lần sau, nhiều nông dân sử dụng dịch vụ không dùng tiền mặt dần dần sẽ tạo ra một cộng đồng sử dụng TTKDTM" bà Sen chia sẻ.

Tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đưa ra ba giải pháp của NHNN để tiếp tục thực hiện thúc đẩy TTKDTM khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ; sớm Trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM và ban hành các văn bản hướng dẫn, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân; nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tiện ích, phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn.

Thứ ba, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.

MA-ĐK

Xem thêm: 148764VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools