Tọa đàm có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN, đại diện WB/SECO, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, các bộ, ngành liên quan và các tổ chức tín dụng.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) cho biết, trong những năm qua, việc hoàn thiện thể chế và xây dựng hệ thống pháp luật ngân hàng luôn được NHNN xác định là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu chung của ngành Ngân hàng về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD nhằm giữ vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính. Đến nay, các cơ chế, chính sách, pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng về cơ bản đã được NHNN xây dựng và ban hành phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước với 2 luật xương sống là Luật NHNN và Luật các TCTD. Các lĩnh vực quản lý của NHNN (từ chính sách tiền tệ, ngoại hối, thanh toán,...) về cơ bản đều đã có hành lang pháp lý điều chỉnh.
Mặc dù có những cải thiện, khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn có những hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển và đổi mới của thị trường tài chính. Các quan hệ kinh tế, hình thái giao dịch, phương thức giao dịch mới thường xuyên phát sinh dẫn đến khuôn khổ pháp lý trong hoạt động của nền kinh tế nói chung, đặc biệt khuôn khổ pháp lý trong hoạt động tài chính, ngân hàng cũng cần phải điều chỉnh phù hợp để đảm bảo tạo điều kiện cho các hoạt động ngân hàng được phát triển trong khuôn khổ pháp luật, phòng ngừa rủi ro mang tính hệ thống và giúp cơ quan quản lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước hiệu quả.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các cam kết quốc tế (đặc biệt là các cam kết thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,...), việc ban hành và thực thi pháp luật đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế và tương thích với thông lệ quốc tế là rất quan trọng. Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam” được thực hiện nhằm tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng, hỗ trợ NHNN thực hiện cải cách theo Kế hoạch Tái cơ cấu ngành ngân hàng giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn tiếp theo; xử lý những tồn tại, hạn chế về cơ cấu trong hệ thống ngân hàng, hướng đến đáp ứng những chuẩn mực quốc tế, góp phần ổn định kinh tế - tài chính vĩ mô. Các hoạt động của Dự án được xây dựng theo các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao NHNN tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Dự án do SECO viện trợ không hoàn lại ủy thác qua WB - đây là những đối tác truyền thống, đã hỗ trợ NHNN thực hiện nhiều chương trình cải cách kinh tế vĩ mô, cải cách trong khu vực ngân hàng.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Ketut Ariadi Kusuma - đại diện nhà tài trợ cho rằng, Việt Nam đang ở một thời điểm quan trọng, việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực giám sát an toàn hoạt động của TCTD là cần thiết để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt. Các sửa đổi bao gồm tăng cường vai trò của NHNN đối với giám sát an toàn hoạt động hệ thống các TCTD, thể hiện rõ hơn các mục tiêu, tính độc lập trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của NHNN, xây dựng cơ chế bảo vệ pháp lý cho các cán bộ giám sát, tăng cường giám sát an toàn vĩ mô, mở rộng phạm vi giám sát tập đoàn và tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam”, thời gian qua, WB đã hỗ trợ NHNN xây dựng các báo cáo đánh giá toàn diện về những khoảng trống và bất cập của Luật Các TCTD và Luật NHNN trên cơ sở so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, đồng thời đưa ra các khuyến nghị. Ông Ketut nhấn mạnh, WB sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ NHNN xây dựng các đề xuất sửa đổi cụ thể đối với hai luật trên và các luật khác có liên quan trong thời gian tới.
Cũng tại buổi Tọa đàm, đại diện Vụ Pháp chế - NHNN đã trình bày tổng quan về hoàn thiện quy định pháp luật trong ngành Ngân hàng, trong đó tập trung vào việc đánh giá sơ bộ một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến hai luật. Các chuyên gia của WB cũng chia sẻ một số đánh giá về tồn tại, hạn chế liên quan đến quy định pháp luật về giám sát an toàn và các khuyến nghị về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giám sát an toàn; kinh nghiệm quốc tế về giám sát tập đoàn tài chính. Đại diện các TCTD tham dự tọa đàm cũng chia sẻ về thực tiễn quá trình tuân thủ đồng thời các quy định pháp luật về ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm cùng những vướng mắc, khó khăn và đề xuất kiến nghị để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.
HTQT
Xem thêm: 348764VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www