Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cảnh báo một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan sẽ là trường hợp khẩn cấp đối với Nhật và liên minh của nước này với Mỹ, ám chỉ một hành động như vậy có thể đáp ứng các điều kiện để Tokyo sử dụng vũ lực quân sự.
Theo báo Financial Times, trong một bài phát biểu qua video gửi tới một cuộc hội thảo ở Đài Loan hôm 1-12, Abe cho biết một cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm “thu hồi” Đài Loan sẽ dẫn đến “sự tự sát về kinh tế”.
Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Ab. Ảnh: AP
Bình luận trên nêu bật tình trạng căng thẳng đang gia tăng trên eo biển Đài Loan và việc Tokyo chuyển hướng sang hậu thuẫn quả quyết hơn cho Đài Bắc.
Ông Abe nói: “Một cuộc phiêu lưu quân sự là con đường dẫn đến sự tự sát về kinh tế. Chắc chắn Trung Quốc rất đồ sộ. Nhưng do nước này có liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế toàn cầu, một cuộc phiêu lưu quân sự ở Đài Loan ắt có tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ bị tổn thương nghiêm trọng”.
Ông Abe từ chức thủ tướng vào năm 2020 nhưng vẫn là một nhân vật phía sau hậu trường đầy quyền lực trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, đặc biệt là trong các vấn đề ngoại giao và an ninh quốc gia.
Vị cựu thủ tướng Nhật được biết đến là người ủng hộ mạnh mẽ cho Đài Loan. Vào năm 2019, ông đã tăng cường lập kế hoạch quân sự cho một cuộc xung đột tiềm tàng xung quanh Đài Loan hoặc quần đảo Senkaku – hiện do Nhật quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Mỹ và Nhật sau đó đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung để chuẩn bị cho một cuộc đụng độ có thể xảy ra với Trung Quốc về Đài Loan.
“Trường hợp khẩn cấp của Đài Loan là trường hợp khẩn cấp của Nhật. Đó cũng là trường hợp khẩn cấp đối với liên minh Mỹ-Nhật” – ông Abe nói, đồng thời cho giới chức ở Bắc Kinh “không được đánh giá sai” về điều đó, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đáp lại một câu hỏi, Abe sau đó ủng hộ môt cuộc đối thoại an ninh ba bên với Đài Loan và Mỹ - điều mà Nhật trước đây tránh né do lo ngại về việc “chọc giận” Trung Quốc.
Bình luận của ông Abe đặc biệt quan trọng bởi, theo theo Điều 9 của Hiến pháp Nhật, yêu cầu Tokyo thực hiện hành động quân sự là một mối đe dọa đối với sự tồn vong của chính đảo quốc Đông Á.
Ông Taro Aso, khi đó là phó thủ tướng, hồi tháng 7 cho biết rằng tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan có thể dẫn đến “tình huống đe dọa sự sống còn” đối với Nhật, trong các phát biểu được truyền thông Nhật đăng tải. Các bình luận này cho thấy Tokyo xem kịch bản Trung Quốc tấn công Đài Loan là một trường hợp tiềm năng để can dự quân sự. Phát biểu mới nhất của ông Abe tiến gần nhất đến việc xác nhận điều đó.
Bình luận của ông Abe được đưa ra khi ngày càng có nhiều quốc gia kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trước các động thái hiếu chiến đối với Đài Loan. Mỹ và một số đồng minh đã gợi ý rằng họ có thể can thiệp để hỗ trợ nước này nếu hòn đảo này bị tấn công.
Tổng thống Joe Biden gần đây cho biết Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công từ Trung Quốc. Bình luận của ông dường như trái ngược với chính sách lâu đời là “mơ hồ chiến lược”, trong đó Washington không nói rõ họ sẽ phản ứng như thế nào trước một diễn biến như thế.
Nhà Trắng can thiệp để nói rằng chính sách của Mỹ là không thay đổi, nhưng ông Biden đã đưa ra những nhận xét gây tranh cãi khác về Đài Loan. Tổng thống Mỹ đã nói với ông Tập trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng trước rằng Mỹ “phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng” nhưng vào ngày hôm sau lại mô tả Đài Loan là “độc lập”, theo Financial Times.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton tháng trước cho biết “không thể tưởng tượng nổi” rằng đất nước của ông sẽ không hỗ trợ Mỹ trong chiến dịch bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc.
Các bình luận của ông Abe được đưa ra tiếp sau việc nội các Nhật vào tuần trước đã phê duyệt gói chi tiêu quốc phòng bổ sung trị giá 6,8 tỉ USD trên cơ sở cảnh báo của Thủ tướng Fumio Kishida về sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc.
Trung Quốc đã điều một loạt máy bay chiến đấu và máy bay ném bom xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan vào cuối tuần qua, một chiến thuật mà họ đã sử dụng để bày tỏ sự tức giận đối với Đài Bắc và cũng là hoạt động mà Bắc Kinh đã tăng cường thực hiện trong năm nay.