Với Thúy Anh (giữa), giây phút hạnh phúc nhất có lẽ là lúc cha thôi không la hét - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Cha bị tai nạn dẫn đến bại liệt lúc tỉnh lúc mê, mẹ bị ung thư vú. Hành trình đến trường của Phan Thị Thúy Anh (tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) là tháng ngày một mình chật vật băng qua cái nghèo, cái đói và nỗi sợ vô hình khi cả cha và mẹ đều có thể rời bỏ mình bất cứ lúc nào.
Nhà của Thúy Anh ở khu chợ Cư trú thuộc khu phố Ninh Đức (phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh) với những vết nứt lỗ chỗ trên cánh cửa.
Tôi hiểu vì sao mẹ chỉ muốn mình học lên đại học, ở hoàn cảnh này nếu không học thì số phận của tôi cũng chỉ như hiện tại, vây quanh khó khăn.
PHAN THỊ THÚY ANH
Nỗi đau rình rập
Thúy Anh đang chật vật nâng người cha, ông Phan Thanh Sơn (56 tuổi), lau và thay tã, thay tấm lót mới. Vỗ về người cha, cô vừa làm vừa nói "không sao đâu, không sao đâu ba à".
Cách đây 14 năm, trong một đêm đi làm về, ông Sơn bị một "ma men" đâm phải. Chấn thương sọ não, giám định thương tật đến 82% khiến ông Sơn lâm cảnh tàn phế, thần kinh bất ổn suốt thời gian qua. Hễ mê man thì chẳng sao, nhưng khi tỉnh là ông lại gào thét. Cánh tay duy nhất còn cử động được liên tục cào cấu những ai cạnh bên.
Là người thường xuyên túc trực bên cha, Thúy Anh chia sẻ: "Lần đầu bị cha đánh tôi còn tủi, khóc. Mãi riết quen rồi, gắng chịu tí để giữ bố nằm im, chứ để vùng la một hồi là lên cơn ngất xỉu, phải đi cấp cứu".
Mất đi trụ cột, gia đình vốn nghèo nay càng túng thiếu hơn. Để có tiền chạy chữa cho chồng, bà Phương Thảo (mẹ Thúy Anh) phải cắn răng bán đi căn nhà mà hai vợ chồng phải cật lực, dành dụm cả đời mới xây được. May mắn từ đó đến nay cả gia đình vẫn được người chủ mới của căn nhà cho "ở nhờ trên chính căn nhà mình".
Trong gian khó, mọi người nương tựa nhau sống chật vật với nghề may vá của bà Thảo. Nhưng nỗi bất hạnh vẫn chưa dừng lại ở đó.
Một chiều đi học về, Thúy Anh thấy mẹ đã ngã ngửa ở mép sân, toàn thân run rẩy. Cô bé lớp 9 lúc đó chỉ biết khóc và khóc. Ngồi cạnh mẹ trên xe cấp cứu, cô loáng thoáng hiểu ra tại sao trước đây thỉnh thoảng mẹ vẫn hay ôm ngực quay đi. Sau lần đó, bác sĩ cho biết mẹ của Thúy Anh bị ung thư vú...
Người thay đổi số phận
Dù đã được chạy chữa nhưng bệnh của bà Thảo càng lúc càng trở nặng. Những cơn đau, khó thở liên tục ập đến. Có tháng bà phải nhập viện cấp cứu mấy lần. Những đồng tiền ít ỏi còn sót lại sau lần bán nhà mà theo dự tính sẽ là "của để dành" cho Thúy Anh lên thành phố học đại học cũng đổ hết vào thuốc men.
"Cả tôi và bố nó đều sống nay chết mai. Anh trai thì nghỉ học sớm đi làm công nhân, nhưng ngặt dịch bệnh suốt nên lương thấp lắm", bà Thảo đưa tay quệt lấy dòng nước mắt.
Lớn lên trong gian khó khiến Thúy Anh trưởng thành hơn các bạn đồng trang lứa. Ngày mới của cô luôn bắt đầu vào trước 5h sáng và kết thúc rất khuya. Giặt giũ, lau nhà, nấu ăn và vệ sinh cho cha. Thúy Anh vì thương mẹ nên luôn tranh làm hết công việc nhà. Những đợt mẹ lên TP.HCM chữa bệnh, cô một mình vừa đi học vừa quán xuyến việc nhà.
Có những trưa học về muộn không kịp nấu cháo thì Thúy Anh sẽ ghé chợ mua một tô bánh canh nhiều nước, phần xác và thịt thì nghiền nát rồi bón cho cha, phần nước cô đổ chung với cơm nguội rồi ăn ngon lành. "Đi học mà chỉ lo bố ở nhà không ai chăm, không ai trò chuyện cùng thôi", Thúy Anh tâm sự.
Dù phải quán xuyến nhiều việc một lúc, thế nhưng Thúy Anh lại là học sinh giỏi suốt 12 năm liền. Ở kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cô xuất sắc đạt 9 điểm môn tiếng Anh, 8,75 điểm môn lý và 8,6 điểm môn toán. Với hơn 26 điểm (khối A1), Thúy Anh đậu nguyện vọng 1 vào ngành quản trị kinh doanh (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM).
"Trong nhà này chỉ mỗi con mới đủ điều kiện, con phải là người thay đổi số phận của nhà mình", bà Thảo ôm con gái thủ thỉ.
Hành trang để Thúy Anh bắt đầu chuỗi ngày thay đổi số phận của mình và gia đình chính nhờ vào chiếc máy tính bàn "3 không" - không camera, không micro và không loa...
Để các thầy cô khỏi phàn nàn chuyện không bật camera, cô tìm cách trình bày với ban cán sự lớp, giáo viên hướng dẫn để nhờ họ giải thích thêm với các giảng viên. Mỗi khi thầy cô hỏi bài, Thúy Anh xin được trả lời bằng việc gõ lời giải qua mục trò chuyện của lớp, nhưng vì bàn phím nhiều nút đã hư nên cũng chữ được chữ mất.
Về tiếng, Thúy Anh đấu luôn dây âm thanh qua dàn amply rồi phát luôn qua chiếc loa thùng còn sót lại đang treo trên góc tường nhà. Vì dùng đã lâu nên màn hình máy tính xuất hiện nhiều sọc màu, loang lổ mực, muốn nhìn rõ thì Thúy Anh phải nhíu mày lại đọc.
"Tiếng được tiếng mất nhưng nghe miết thành quen tai. Mình đang lo vài hôm nữa tháo ra mang lên Sài Gòn học rồi nó hỏng luôn thì chẳng biết lấy gì học", Thúy Anh cười.
Thương trò hoàn cảnh ngặt nghèo, rất nhiều giáo viên của Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha đã hỗ trợ, đồng hành cùng Thúy Anh. Miễn phí tiền học thêm cả hai môn toán và lý là cách mà vợ chồng cô Nguyễn Ngọc Duệ (giáo viên dạy toán, chồng dạy lý) hỗ trợ Thúy Anh trong suốt 3 năm học cấp III.
"Nhiều lần nghe Thúy Anh kể về cách em ấy xoay xở việc nhà và học nhưng vẫn chưa hình dung hết được em ấy đã làm gì để vừa có thể học giỏi mà vẫn đảm việc nhà như thế" - cô Duệ tâm sự.
TTO - Ba bỏ đi khi Anh Thư chưa kịp thôi nôi, mẹ lại bị bệnh thần kinh lúc tỉnh lúc mê nên cuộc đời của cô học trò nhỏ xứ dừa Bến Tre Nguyễn Thị Anh Thư phụ thuộc vào dì Hai (chị của mẹ).
Xem thêm: mth.93345819110211202-ahn-ac-ohc-toc-urt-mal/nv.ertiout