Năm 2021 đang dần khép lại với những gam sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đang nỗ lực vươn lên trong thử thách của đại dịch COVID-19.
Việt Nam - Điểm đến hàng đầu Châu Á
Năm 2021 Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực” kể từ khi đại dịch bùng phát.
World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) trong tháng 10.2021 đã công bố các giải thưởng năm 2021, trong đó Việt Nam được vinh danh là Điểm đến hàng đầu Châu Á. Đây là danh hiệu Việt Nam từng đạt được năm 2018 và 2019.
Ngoài ra, Việt Nam còn được tôn vinh là Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu Châu Á. Một số điểm đến của Việt Nam cũng được World Travel Awards vinh danh, như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đoạt giải Điểm tham quan hàng đầu Châu Á; TP.Hội An (Quảng Nam) chiến thắng ở hạng mục Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu Châu Á và Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) được trao giải Công viên quốc gia hàng đầu Châu Á.
Chịu nhiều tổn thất khá nặng nề cả về con người và kinh tế do đại dịch COVID-19, năm 2021 là một năm khó khăn nhưng không thất vọng.
Về triển vọng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ tỉ lệ thuận với hiệu quả triển khai tiêm vaccine cho người dân; vào sự phục hồi lại các thị trường xuất khẩu lớn và tiêu dùng nội địa; năng lực cải thiện sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những nút thắt về logistics; đặc biệt là tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại.
Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng một đến hai năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của Chính phủ để kiềm chế dịch COVID-19 trong nước, vị thế điểm đến hàng đầu trong Đông Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc; tài khóa, nợ công tiếp tục giữ vững tính hiệu quả và linh hoạt, góp phần hỗ trợ kiểm soát đại dịch.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã gia tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ 10-12% lên 14-15% trong năm 2021 và 16 ngân hàng thương mại đã tiến hành giảm lãi suất trên các khoản vay hiện tại nhằm giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn về dòng tiền. Cả nước đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 120/166 thủ tục hành chính, cắt giảm 21,2% chi phí tuân thủ quy định.
2021 - một năm khó khăn nhưng không thất vọng
Theo Tổng cục Thống kê, bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2021 đang tiếp tục phục hồi, tăng trưởng tích cực, với Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 11.2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 2,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.
Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,4%), đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Ước tính tháng 11.2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,9 tỉ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỉ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Việt Nam hiện có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 66,4%).
Đặc biệt, tính riêng tháng 11, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng tăng khá so với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước.
Tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.454,2 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động. Bên cạnh đó, 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp.
Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 397.000 tỉ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước; dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn được duy trì ổn định với 26,46 tỉ USD tính từ đầu năm; CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm nay chỉ tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020...
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các xu hướng tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ hỗ trợ sẽ càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới hiệu quả hơn để hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ...
Xem thêm: odl.969979-hcid-iad-auc-hcaht-uht-nel-touv-man-teiv-el-hcihk-gnad-gnourt-gnat/et-hnik/nv.gnodoal