Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2021 vào tối 2-12, báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan tới vaccine và gia hạn vaccine.
Theo giải thích của Bộ Y tế, ngày 30-9, Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc của Việt Nam đã chính thức thông qua việc kéo dài hạn sử dụng đối với vaccine Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng. Tuy nhiên điều dư luận băn khoăn là tại sao đến bây giờ, khi vaccine đến sát ngày hết hạn Bộ mới công bố gia hạn thêm.
Và khi công bố gia hạn Bộ Y tế cũng không giải thích rõ lý do cho đến khi báo chí lên tiếng.
Báo chí đặt vấn đề: Hiện nay có rất nhiều nước tiêu hủy vaccine hết hạn chứ ít thấy nước nào công bố gia hạn như Việt Nam. Bộ Y tế có thể thống kê nước nào đã thực hiện gia hạn vaccine khi hết hạn như Việt Nam?
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời báo chí về việc gia hạn vaccine. Ảnh: CTV
Trả lời, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay: việc gia hạn vaccine Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên không riêng Việt Nam.
Việc gia hạn này cũng được kiểm định khắc khe và đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả, từ thời điểm Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) phê duyệt thì các lô vaccine Pfizer đã sản xuất với thời hạn 6 tháng thì tự động tăng hạn lên 9 tháng.
Ông Thuấn cho hay: các quốc gia trên thế giới vẫn giữ nguyên nhãn theo hạn sử dụng của nhà sản xuất và chỉ có thông báo riêng về tăng hạn sử dụng của vaccine lên 9 tháng. Trong tháng tới, nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu, nếu đảm bảo ổn định, chất lượng nhà sản xuất sẽ nộp hồ sơ, các cơ quan thẩm quyền để tăng hạn sử dụng vaccine có thể lên tới 12, 18, 24 tháng nếu đạt yêu cầu.
Vẫn theo Thứ trưởng Thuấn, ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết: vaccine Pfizer-BioNTech là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được WHO phê duyệt vào ngày 31-12-2020 và đưa vào danh sách “sử dụng khẩn cấp của WHO”. Ngày 8-1-2021, WHO đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng và các yêu cầu bảo quản đối với vaccine Pfizer.
Dựa trên dữ liệu khoa học có được vào thời điểm đó, nhà sản xuất đã tiếp tục nghiên cứu và phát triển sau giai đoạn phê duyệt ban đầu. Các cơ quan quản lý vaccine quốc gia đã cập nhật các điều kiện phê duyệt sau khi xem xét các bằng chứng và dữ liệu khoa học mới do nhà sản xuất cung cấp.
Các bằng chứng và dữ liệu khoa học gồm có: Mở rộng nhóm tuổi tiêm từ 12 tuổi trở lên và tăng hạn sử dụng từ 6 tháng lên 9 tháng. Vào tháng 8-2021, WHO đã phê duyệt các điều kiện cập nhật này, bao gồm việc tăng hạn sử dụng lên 9 tháng áp dụng với tất cả vaccine Pfizer đã được sản xuất kể cả trước thời điểm tháng 8-2021.
Trong quá trình vận chuyển vaccine từ nhà sản xuất đến Việt Nam, vaccine luôn được bảo quản ở nhiệt độ -90°C đến -60°C bằng các thiết bị chuyên dụng của nhà sản xuất. Tất cả các lô vaccine trước khi sử dụng tại Việt Nam đều được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế đánh giá chất lượng và cấp giấy phép xuất xưởng.
“Do vậy, việc tăng thời hạn vaccine thêm 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng vaccine. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh “việc gia hạn vaccine Pfizer thực hiện theo thông lệ quốc tế, Việt Nam không tự động gia hạn. Mọi vaccine về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu của WHO và đảm bảo chất lượng khi sử dụng trong nhân dân”"- Thứ trưởng Thuấn nói.