Mới đây, câu chuyện một chủ tịch của tập đoàn CJ Group bị đồn trở thành "bố đường" (Sugar Daddy) đã làm dậy sóng cư dân mạng. Một số tin nhắn được tiết lộ cho thấy nhà quản lý này đã dùng quyền lực để buộc các công ty trực thuộc tài trợ cho 1 nữ idol nhằm đổi lấy "tình cảm".
Ngay lập tức, câu chuyện đã khiến người dân Hàn Quốc lại một lần nữa đặt câu hỏi về các Chaebol khi quyền lực của họ quá lớn nhưng lối sống và cách hành xử chưa được đúng mực. Xin được nhắc là CJ Group được sáng lập bởi Lee Buyng Chul của Samsung và từng là công ty con của tập đoàn này cho đến khi tách ra vào năm 1993.
Ông Lee Buyng Chul
Bản thân Samsung hiện đang là Chaebol lớn nhất Hàn Quốc và là khởi nguyên của hàng loạt những tập đoàn chaebol lớn nhỏ khác khi gia tộc Lee phân nhánh.
Vậy những Chaebol Hàn Quốc này đã được hình thành ra sao và quyền lực thế nào trong xã hội?
Tài phiệt xứ Hàn
Chaebol (âm hán là tài phiệt) là một thuật ngữ kinh tế chỉ một nhóm các nhà tư bản độc quyền hoặc các doanh nghiệp có quyền lực lớn trong giới kinh doanh. Có thể hiểu đây là một nhóm các nhà tư bản lớn được tạo thành từ gia đình hoặc họ hàng. Tài phiệt có thể dùng quyền lực tài chính của mình để chi phối kinh tế, chính trị, quân sự của đất nước.
Tại Hàn Quốc, sự hình thành của các Chaebol phải quay ngược lại từ sau Thế chiến II năm 1945 khi Nhật Bản đầu hàng và hoàn toàn rút ra khỏi Hàn Quốc. Ngay lúc này, một số doanh nhân Hàn đã rất nhanh trí, tận dụng cơ hội chớp lấy quyền sở hữu tài sản mà các doanh nghiệp Nhật để lại. Chính từ đây, một vài trong số đó đã phát triển thành Cheabol ngày nay.
Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ để hình thành nên đế chế Chaebol có tầm ảnh hưởng lớn mạnh như bây giờ. Vào năm 1961, những chính sách khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp lớn được tổng thống đương nhiệm thời đó là ông Park Chung Hee ban hành nhằm cải tổ nền kinh tế cổ hủ, lạc hậu của đất nước ngày ấy.
Kết quả là các Chaebol phát triển nhanh chóng cả trong nước lẫn ngoài quốc tế. Điều này dẫn tới sự hồi sinh ngoạn mục của một nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, nay đã chuyển mình trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới.
Năm 1961, xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ chiếm 4% GDP nhưng năm 2016 đã tăng lên hơn 40%, một trong những tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu. Cũng trong giai đoạn đó, thu nhập bình quân hàng năm của người Hàn Quốc đã tăng từ 120 USD lên đến 30.000 USD vào thời điểm này. Cùng với việc hàng triệu người Hàn Quốc thoát khỏi đói nghèo, sự ra đời ngày càng nhiều của các chaebol đã góp phần không nhỏ vào sự tái cơ cấu nền kinh tế Hàn Quốc sau chiến tranh.
Cho đến cuối thập niên 1980, các tập đoàn khổng lồ này gần như đã chế ngự hầu hết các lĩnh vực, trong đó mạnh nhất phải kể đến lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt về sản xuất, thương mại và các ngành công nghiệp nặng.
Cũng chính từ năm 1984, thuật ngữ "Chaebol" bắt đầu ra đời như một cột mốc đánh dấu thời kỳ hoàng kim của họ đã tới.
Bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, chính phủ thực hiện chính sách cải tổ Chaebol. Chẳng hạn như nới lỏng quy định quản lý tín dụng, giảm các hạn chế về tổng đầu tư,… Sức nặng và tầm ảnh hưởng của các Chaebol đối với nền kinh tế Hàn Quốc nói chung đã mở rộng hơn so với trước cuộc khủng hoảng. Kết quả là hệ thống Chaebol đi theo hướng mạnh lên thay vì suy yếu.
Sự phát triển của Tập đoàn Samsung rất đáng chú ý trong cuộc khủng hoảng. Năm 1997, tỷ lệ doanh thu trong 5 Chaebol lớn nhất của Samsung chiếm 26% và cũng tương đương 10% tổng GDP cả nước.
Vào năm 2012, hai chỉ số này đã tăng lên thành 48% và 20%. Nói cách khác, riêng Samsung đã chiếm gần 1/2 tổng doanh thu của 5 tập đoàn hàng đầu và tương đương 1/5 tổng GDP của Hàn Quốc.
Samsung quyền lực
Hiện nay, 5 Chaebol lớn nhất Hàn Quốc được công nhân là Samsung, Hyundai, SK Group, LG và Lotte, đồng thời đây cũng là 5 tập đoàn đang chiếm khoảng 50% giá trị thị trường chứng khoán Hàn Quốc.
Theo dữ liệu của CEO Score năm 2017, tổng doanh thu của 10 Chaebol lớn nhất Hàn Quốc lên đến 677,8 nghìn tỷ USD, tương đương 44,2% tổng GDP cả nước. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Nhật Bản năm 2017 là 24,6% ở Mỹ là 11,8%.
Chỉ riêng hai tập đoàn Samsung Electronics Co. và Hyundai Motor Co. cùng năm đó đã chiếm đến 1/5 nền kinh tế. Trong năm 2017, Samsung Electronics có mức doanh thu 224,2 tỷ USD, tương đương 14,6% GDP, Hyundai Motor đứng thứ hai với 5,9%, tiếp sau đó là LG Electronics Inc. với 3,8%, Posco với 3,7% và Korea Electric Power Corp với 3,7%.
Những Chaebol tại Hàn Quốc.
Để so sánh, cùng thời điểm đó thì công ty có doanh thu hàng đầu ở Mỹ, Walmart Inc có doanh thu chỉ chiếm 2,6% tổng GDP. Công ty có đóng góp lớn nhất vào GDP Nhật Bản năm 2017 là Toyota Motor Corp với 5,7%.
Năm 2020, báo cáo của Viện Korea CXO Insitute cho thấy tổng doanh thu của 64 Chaebol lớn tại Hàn Quốc tính đến tháng 12/2019 đạt 1,6 triệu tỷ Won, chiếm đến 84,3% tổng GDP toàn quốc. Riêng Samsung ghi nhận 314 nghìn tỷ Won, chiếm 19,4% GDP cả nước.
Mặc dù vậy, những số liệu trên không thể mô tả hết quyền lực của những Chaebol tại Hàn Quốc. Sức ảnh hưởng của các tập đoàn tài phiệt tại xứ sở kimchi lan rộng trong mọi khía cạnh. Những Chaebol chính chiếm đến gần 20% thị trường quảng cáo báo chí Hàn Quốc. Họ cũng là những người có tiếng nói nhất trên thị trường lao động.
Hầu hết các dự án từ xây dựng, phim ảnh, văn hoá, thời trang... đều ít nhiều có liên quan đến những công ty con của các Chaebol. Thậm chí, phần lớn những đồ dùng hàng ngày hay các dịch vụ mà người dân Hàn Quốc sử dụng cũng sẽ có thứ dính dáng đến Chaebol.
Mặc dù chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng chia tách các tập đoàn tài phiệt này nhưng do các Chaebol đóng vai trò quá lớn cho nền kinh tế nên không thể hoàn toàn chấm dứt sự dây dưa này. Đơn cử như Samsung, từ nhà sáng lập Lee Buyng Chul cho đến nay đã chia tách thành 5 Chaebol nhỏ hơn phân chia cho các con cháu trong gia tộc. Đó là chưa kể đến vô số những công ty con chân rết không được nhắc tới.
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị