Tiêm vắc xin cho người lớn tuổi ở Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã có những chia sẻ với Tuổi Trẻ về những giải pháp mà TP đã, đang và sẽ phòng chống dịch trong bối cảnh "bình thường mới".
Thay mặt UBND TP Cần Thơ tôi kêu gọi mỗi người dân hãy thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế và của địa phương để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ TRẦN VIỆT TRƯỜNG
Ông Trường cho biết từ ngày 14 đến 27-11, TP Cần Thơ ghi nhận 11.046 ca mắc COVID-19, bình quân khoảng 789 ca/ngày, những ngày gần đây số ca nhiễm mới tăng nhanh, bình quân trên 1.000 ca/ngày.
Trước diễn biến của dịch COVID-19, UBND TP đã chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương đánh giá, cập nhật cấp độ dịch đến phạm vi nhỏ nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện nay TP đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tương ứng với cấp độ 3; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Tính đến ngày 1-12, TP đã tiêm được trên 1,87/1,96 triệu liều, đạt tỉ lệ 95,4% số lượng được phân bổ. Trong đó, người được tiêm đủ 2 mũi đạt tỉ lệ khá (trên 18 tuổi đạt 90,05%, trên 50 tuổi đạt 70,6%); riêng trẻ từ 12 - 17 tuổi TP tiêm mũi 1 đạt tỉ lệ trên 90%, đang tiếp tục tiêm trả mũi 2 khi đến hạn.
* Thưa ông, tỉ lệ tiêm vắc xin của TP Cần Thơ rất cao nhưng vì sao số ca mắc COVID-19 lại rất nhiều với trung bình 1.000 ca mỗi ngày?
- Thực hiện nghị quyết số 128 của Chính phủ, thời gian qua TP đã ban hành nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chiến lược "5K + vắc xin + truyền thông + công nghệ thông tin"; tiếp tục triển khai lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, cách ly y tế...
Khi chuyển qua trạng thái bình thường mới, TP với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng ĐBSCL, số lượng người dân các tỉnh thành bạn đến kinh doanh, trung chuyển hàng hóa, công tác, học tập, khám chữa bệnh, vui chơi, giải trí... là rất lớn, do đó tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến rất khó dự báo.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường
* Số ca nhiễm COVID-19 phát hiện ở TP Cần Thơ tăng cao, nhưng số ca nặng và tử vong vẫn giữ được tỉ lệ thấp, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc này? Tình hình sắp tới có đáng lo ngại không, chỉ đạo của TP ra sao để hạn chế bệnh nhân tử vong?
- Trong đợt dịch thứ 4, TP phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên từ ngày 8-7, lũy tích đến nay tổng số ca nhiễm toàn TP là 25.266 ca, số ca tử vong do COVID-19 là 189 ca (chiếm tỉ lệ 0,75%). Thời gian gần đây, phần lớn số người nhiễm COVID-19 đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin, phần lớn người nhiễm không có triệu chứng hay mức độ bệnh nhẹ và trung bình; đa số các trường hợp tử vong đều có bệnh lý đi kèm trước khi nhiễm, người cao tuổi và thuộc nhóm nguy cơ cao rất dễ diễn biến nặng, dẫn đến tử vong.
TP Cần Thơ đã thực hiện quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà, giao ngành y tế tập trung vào công tác điều chỉnh phân tầng điều trị F0 (3 tầng), chuyển tuyến phù hợp. Cụ thể, tầng 3 có tổng số giường bệnh là 350, trường hợp cần thiết bệnh viện có thể bố trí thêm giường bệnh, phục vụ công tác điều trị. Đối với tầng 2 và tầng 1 gồm các bệnh viện điều trị COVID-19 (kể cả bệnh viện dã chiến), với tổng số giường bệnh là 2.900, trường hợp quá cần thiết bệnh viện có thể bố trí thêm giường bệnh tùy theo số ca bệnh và năng lực chuyên môn.
Ngoài ra, các bệnh viện chủ động cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc đặc trị và với tỉ lệ tiêm vắc xin khá cao nên số bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch không tăng nhanh theo số ca mắc, hạn chế được số lượng tử vong.
Điều quan trọng hiện nay là các cơ sở y tế phát hiện sớm và chuyển tuyến kịp thời các ca bệnh có dấu hiệu diễn biến nặng.
* Số ca nhiễm tăng mạnh gây quá tải ở tầng 3, năng lực điều trị của ngành y tế TP Cần Thơ liệu có đảm bảo? TP đã tính đến các giải pháp nào, có cần các chi viện của trung ương cho TP, thưa ông?
- Về điều trị tầng 3, TP có 6 bệnh viện với quy mô 350 giường, hiện đang điều trị 288 bệnh nhân/350 giường. Vừa qua, TP Cần Thơ đã có văn bản xin hỗ trợ nguồn lực từ Bộ Y tế để chi viện thêm khoảng 100 giường bao gồm nhân lực và trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nặng.
Ngành y tế đã thành lập và duy trì hoạt động của tổ điều phối tiếp nhận và vận chuyển bệnh nhân COVID-19. Từ tuyến xã, phường có tổ y tế lưu động, tuyến quận có 2 đội cấp cứu lưu động và xe cứu thương. Tuyến TP đã thành lập 6 đội cấp cứu lưu động sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới.
Sắp tới Quân khu 9 và Bệnh viện Công an TP sẽ hỗ trợ thêm 7 đội cấp cứu lưu động. Việc này sẽ làm tăng thêm nguồn lực cấp cứu của ngành y tế, đáp ứng với chủ trương quản lý phần lớn các trường hợp nhiễm COVID-19 đủ điều kiện cách ly ở nhà.
TTO - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết như vậy tại buổi làm việc và chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 ở TP Cần Thơ ngày 1-12.
Xem thêm: mth.53252919030211202-oan-hcac-gnab-gnov-ut-0f-ac-maig-oek-oht-nac/nv.ertiout