vĐồng tin tức tài chính 365

Thí điểm học sinh lớp 1, 9, 12 đến trường: Chuẩn bị thật kỹ mới bớt âu lo

2021-12-03 09:59
Thí điểm học sinh lớp 1, 9, 12 đến trường: Chuẩn bị thật kỹ mới bớt âu lo - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh mong muốn con mình cũng được đến trường an toàn như học sinh lớp 1 Trường tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Tuy nhiên, việc cần làm lúc này là tư vấn, truyền thông thật tốt bên cạnh công tác chuẩn bị các biện pháp an toàn cao nhất có thể, mới đả thông và giảm bớt âu lo nơi phụ huynh và học sinh. 

Có truyền thông tốt sẽ tạo kênh phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình, học sinh với nhà trường và ngành y tế để có được sự an toàn cao nhất cho trẻ, kể cả khi phải xử lý nếu có lây nhiễm.

3 đợt tập huấn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Trí Dũng - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: "Học sinh lớp 1 mới chuyển từ bậc mầm non lên, các em chưa được đến trường tiểu học ngày nào và việc học trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn nhất so với các khối lớp còn lại. 

Vì vậy, việc thí điểm cho học sinh đi học trực tiếp là thí điểm sự thích ứng an toàn của các cơ sở giáo dục đối với tình hình mới. Học sinh buộc phải học trực tuyến trong điều kiện bắt buộc vì dịch bệnh, nhưng với lớp 1 - lứa tuổi còn cần giáo viên "cầm tay chỉ việc" - thì việc các em đến trường học trực tiếp với giáo viên là tốt nhất".

Cũng theo ông Dũng, việc thí điểm cho học sinh đi học trực tiếp là chủ trương của TP trên cơ sở xác định mức độ dịch cũng như tận dụng tối đa thời gian an toàn để học sinh được đến trường. "Việc đi học trực tiếp không chỉ là quyền lợi của học sinh mà còn giải quyết một số vấn đề về tâm lý do học sinh phải ở trong nhà quá lâu và học trực tuyến, giúp trẻ tiếp cận chương trình thuận lợi hơn" - ông Dũng nói.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, trước khi học sinh chính thức đi học lại, ngành GD-ĐT sẽ thực hiện 3 đợt tập huấn. 

"Đầu tiên, các nhà trường sẽ thực hiện công tác truyền thông đối với phụ huynh học sinh về những việc cần chuẩn bị cho học sinh trước khi đến trường, khi học sinh đi học lại, những vấn đề phụ huynh cần lưu ý, phối hợp với nhà trường trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh. Vấn đề này sở đã có văn bản hướng dẫn cụ thể để các trường thực hiện.

Đợt tập huấn thứ 2 sẽ do Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế TP tiến hành tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục về cách xử lý tình huống có thể xảy ra khi học sinh đi học trực tiếp. 

Thứ 3 là giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ hướng dẫn, giáo dục học sinh về những biện pháp phòng chống dịch như đi vào trường theo phân luồng ra sao, giờ ra chơi sẽ như thế nào, việc giữ gìn vệ sinh, rửa tay, đo thân nhiệt" - một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin.

Thí điểm học sinh lớp 1, 9, 12 đến trường: Chuẩn bị thật kỹ mới bớt âu lo - Ảnh 2.

Nhân viên Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM vệ sinh khử khuẩn phòng học chuẩn bị đón học sinh lớp 1 đi học trở lại - Ảnh: N.HÙNG

Thầy cô cũng là "bác sĩ"

Trước thực trạng nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng khi TP.HCM quyết định thí điểm học trực tiếp, TS Lê Minh Công - chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, phó trưởng khoa công tác xã hội (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) - cho rằng việc nhiều phụ huynh mang tâm lý nặng nề khi cho con trở lại trường vì họ chưa được cung cấp đủ thông tin để vững tin về sự an toàn của con và để giải quyết vấn đề này chỉ cần hỗ trợ để họ hiểu hơn về các yếu tố nguy cơ.

Theo ông Công, nỗi lo lắng hiện hữu của phụ huynh chính là nỗi lo con mình bị lây nhiễm, nên việc giải quyết vấn đề tâm lý đó trước hết là cần các đơn vị tuyên truyền chính thống như HCDC, Sở Y tế cung cấp thông tin rộng rãi. Cung cấp cho họ thông tin như trẻ đi học trở lại thì khả năng lây nhiễm nằm ở mức độ nào, nếu trẻ không may lây nhiễm thì nguy cơ có thể bị tiến triển nặng cao không...

Để chuẩn bị hành trang tâm lý tốt nhất cho việc trở lại trường, TS Lê Minh Công cho rằng nhà trường cần phải có kế hoạch chi tiết và cụ thể để làm sao đảm bảo an toàn cho cả giáo viên và học sinh. 

Mỗi giáo viên cũng chính là một "nhân viên y tế" tức thời, sâu sát bên cạnh trẻ để chăm lo sức khỏe của trẻ nhỏ ở môi trường giáo dục. Để trẻ nhỏ có tâm lý thoải mái và học tập hiệu quả thì phụ huynh và giáo viên phải có mối liên hệ gắn kết, giúp trẻ tái hòa nhập môi trường giáo dục và cộng đồng.

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, giảng viên bộ môn giáo dục sức khỏe - tâm lý y học (Trường ĐH Y dược TP.HCM), cho rằng bất kỳ ai cũng sợ bệnh, dù là giáo viên, phụ huynh hay học sinh nhưng không thể vì sợ mà cứ ở trong nhà. 

"Chúng ta thấy rõ việc giáo dục cho trẻ rất cần thiết những tương tác xã hội trực tiếp, nếu cứ ở nhà suốt, trẻ sẽ gặp phải những vấn đề tâm lý khác chứ không chỉ riêng việc sợ COVID-19" - bà Yến chia sẻ.

Theo bà Yến, giáo viên phải là người giữ bình tĩnh trong mọi tình huống xảy ra, dù cho việc xấu nhất là xuất hiện ca nhiễm khi quay trở lại lớp, bên cạnh đó phải loại bỏ tâm lý kỳ thị người nhiễm COVID-19. Những lo lắng của trẻ thường là do người lớn truyền tới, từ cách thức nhắc nhở trẻ giữ an toàn, thay vì dặn dò để trẻ hiểu và tránh, nhiều phụ huynh lại hù dọa, dùng cách truyền tải về dịch bệnh không đúng khiến trẻ sợ hãi.

Thí điểm học sinh lớp 1, 9, 12 đến trường: Chuẩn bị thật kỹ mới bớt âu lo - Ảnh 3.

Một học sinh tiểu học ở TP.HCM đang học trực tuyến - Ảnh: N.VINH

Mở sớm mà không kiểm soát được sẽ tạo bất an

Phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết sắp tới TP quan tâm công tác giáo dục và đào tạo, giữ vững chất lượng dạy và học. Trước mắt thí điểm dạy học tập trung trong điều kiện bình thường mới đối với lớp 1, 9, 12.

Trao đổi thêm với báo chí, ông Nên cho biết lúc đầu TP có tính và lấy ý kiến phụ huynh về việc cho học sinh đi học lại. Nhiều phụ huynh rất quan ngại do chưa biết rõ mức độ, tính chất và tốc độ lây nhiễm của chủng mới Omicron ra sao. Chủng mới lây lan rất nhanh, để con ra ngoài, phụ huynh không yên tâm.

"Sự ủng hộ của phụ huynh đối với việc cho học sinh đi học lại không cao nên thí điểm với các lớp có sự đồng thuận lớn, quản lý được. Thật ra TP cũng muốn chờ tình hình diễn biến thế nào. Trong bối cảnh dịch COVID-19 như vậy phải thí điểm, còn làm sớm mà không kiểm soát được hoặc có vấn đề gì đó sẽ tạo sự bất an với hàng ngàn gia đình" - ông Nên chia sẻ.

T.LONG

Cố gắng chuẩn bị kỹ nhất có thể!

* Nghe tin con gái sẽ đi học trực tiếp, cả nhà tôi vừa mừng lại vừa lo. Lo vì trẻ 6 tuổi còn nhỏ quá, sẽ khó mà thực hiện nghiêm chỉnh quy định 5K trong phòng chống dịch. Nhất là bé nhà tôi, chỉ đeo khẩu trang được một thời gian ngắn là tháo ra và than là khó thở.

Tôi đã chuẩn bị cho con bình nước uống cá nhân, chai nước rửa tay để móc vào quai cặp táp để con có thể rửa tay bất cứ lúc nào mà không phải mở cặp. Thói quen thường xuyên rửa tay tôi đã rèn cho con từ lâu rồi, chỉ lo nhất là việc đeo khẩu trang của cháu thôi. Tôi mong khi học sinh lớp 1 đến trường, các thầy cô giáo sẽ thường xuyên nhắc nhở để học sinh thực hiện 5K nghiêm túc.

Chị Trần Thị Diễm (phụ huynh lớp 1 ở quận 7, TP.HCM)

* Tôi biết và chấp nhận việc cho con đi học là chấp nhận con có thể bị lây nhiễm bệnh và về nhà lây cho gia đình, dù trẻ có nhiễm bệnh cũng rất nhẹ. Việc hướng dẫn con đeo khẩu trang, rửa tay... chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho con, tôi đã thực hiện. Tôi chỉ đề nghị các nhà trường không thực hiện xét nghiệm COVID-19 đại trà đối với tất cả học sinh và không tiến hành truy vết F0, F1, F2 trong trường học vì điều này không có ý nghĩa gì cả, chỉ gây tác dụng ngược là khiến dịch bệnh lây lan thêm mà thôi.

Anh Vũ Trung Sơn (phụ huynh lớp 1 ở quận Phú Nhuận, TP.HCM)


Cởi bỏ sự lo âu

TS.BS Lê Minh Thuận - trưởng khoa tâm lý lâm sàng (Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức) - cho rằng khi đi học trở lại, dù có kiểm soát thế nào thì việc trẻ bị lây nhiễm COVID-19 là điều khó tránh khỏi, và nếu có lây nhiễm điều đó hết sức bình thường.

Khẳng định việc quyết định cho học sinh đi học trở lại đã có sự tính toán của Nhà nước và các chuyên gia y tế, bác sĩ Thuận khuyên mọi người (phụ huynh, học sinh) cần có sự tin tưởng, cởi bỏ sự âu lo để thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch trong quá trình thích nghi với điều kiện sinh hoạt, học hành mới.

Đặc biệt, bác sĩ Thuận đánh giá cao vai trò của cô giáo trong việc duy trì sự an toàn nơi trường học. "Ngoài kiến thức, cô giáo là người dạy cho các em thái độ sống thích nghi. Sự thích nghi không phải là gì quá cao xa, mà hãy bắt đầu từ những điều hết sức đơn giản như ngày rửa tay nhiều lần. Và nếu duy trì thói quen sẽ ngừa rất nhiều loại bệnh sau này chứ không riêng gì COVID-19".

Đi học mùa COVID-19 ở Canada

truong

Ban giám hiệu và các thầy cô khối lớp 1, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM họp triển khai các phương án đón học sinh lớp 1 đi học trở lại - Ảnh: NH.H.

Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới đang tìm cách đưa học sinh quay lại trường học an toàn, trong bối cảnh "bóng đen" COVID-19 vẫn bao trùm toàn cầu. Trong đó, tỉnh bang British Columbia của Canada đã đưa ra kế hoạch rất cụ thể cho năm học 2021 - 2022, giúp đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên khi trở lại trường học trực tiếp.

Ban chỉ đạo giáo dục của hệ thống giáo dục K - 12 (từ lớp mẫu giáo tới lớp 12) của British Columbia đã làm việc với Cơ quan giáo dục và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của British Columbia (BCCDC) để hoàn thiện các hướng dẫn cho năm học mới.

Thứ nhất, các biện pháp an toàn được áp dụng để bảo vệ học sinh và nhân viên trường học, đồng thời giảm sự lây lan của COVID-19. Theo đó, tất cả học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 12, nhân viên trường học và khách của trường đều phải đeo khẩu trang ở tất cả khu vực có không gian kín, bao gồm trong phòng học và trên xe buýt của trường.

Về vắc xin COVID-19, tỉnh bang British Columbia nói rằng "tất cả học sinh và nhân viên của trường nên tiêm phòng". Bên cạnh đó, tất cả học sinh và nhân viên của trường phải hoàn thành việc kiểm tra sức khỏe hằng ngày. Nếu cảm thấy không khỏe, họ được khuyên ở nhà. Cha mẹ có trách nhiệm đánh giá tình trạng của trẻ hằng ngày trước khi cho trẻ đến trường.

Tỉnh bang British Columbia cung cấp một trang web và app (ứng dụng) kiểm tra sức khỏe từ lớp mẫu giáo đến lớp 12, giúp phụ huynh quyết định có nên để con đi học hay không dựa trên các triệu chứng của con.

Các học khu phải đảm bảo các hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí (HVAC) được thiết kế, vận hành và duy trì theo các tiêu chuẩn an toàn. Tỉnh bang British Columbia đang đầu tư hàng chục triệu USD để nâng cấp hoặc thay thế các hệ thống HVAC của trường học trong năm học 2021 - 2022.

Trong khi đó, công tác tổng vệ sinh trường học, dọn dẹp và khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc sẽ được thực hiện ít nhất 24 giờ một lần hoặc khi thấy bẩn.

Thứ hai, về các thủ tục ứng phó COVID-19, nếu học sinh hoặc nhân viên trường học xuất hiện các triệu chứng bệnh ngay tại trường, họ sẽ được tách khỏi mọi người và theo dõi. Nhà trường sẽ liên lạc với phụ huynh của học sinh và yêu cầu đón con của họ càng sớm càng tốt, còn trường hợp nhân viên trường học sẽ được yêu cầu về nhà sớm nhất có thể. Khu vực mà những người này sử dụng sẽ được khử trùng sau đó.

Nếu học sinh hoặc nhân viên trường được xác nhận đã mắc COVID-19 khi đang ở trường, các nhân viên y tế cộng đồng sẽ tiến hành truy vết. Trường học sẽ đảm bảo những học sinh tự cách ly có thể tiếp tục chương trình học.

BẢO ANH

Đến trường, quyết định Đến trường, quyết định 'cân não'

TTO - Đi học là chuyện rất bình thường và quá quen thuộc với mọi người, vậy mà đi học trong những ngày sắp tới lại thành chuyện bàn luận sôi nổi trong mọi gia đình có con đang tuổi đến trường.

Xem thêm: mth.38313709030211202-ol-ua-tob-iom-yk-taht-ib-nauhc-gnourt-ned-21-9-1-pol-hnis-coh-meid-iht/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thí điểm học sinh lớp 1, 9, 12 đến trường: Chuẩn bị thật kỹ mới bớt âu lo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools