Một cái Tết của nhà tôi - Ảnh: Tác giả cung cấp
Tuổi thơ của tôi lớn lên với đồng ruộng bạt ngàn thóc lúa, mỗi năm hai vụ chính và một vụ đông. Bà tôi dành một ruộng chỉ để trồng lúa nếp để cả nhà dùng thổi xôi, gói bánh mỗi dịp tuần rằm, giỗ Tết. Ai cũng thích ăn đồ nếp, còn tôi chỉ thích những loại bánh ngọt nhiều màu sắc ngoài tạp hóa.
Ngược lại với tôi, bác trai tôi rất thích những món xôi bánh dân dã của quê nhà. Thế mà bác lại ở nước ngoài, mỗi năm mới được về một lần vào dịp Tết. Thế nên cứ gần Tết bà tôi lại chuẩn bị thật nhiều gạo nếp để gói bánh chưng và đón bác về rồi khi đi lại mang theo thật nhiều gạo và bánh.
Cái thời ấy qua lâu lắm rồi, khi ấy những người được đi Tây như bác tôi ít lắm, ở làng xã có vài người đi như thế là ai cũng nhớ. Chẳng phải trong suy nghĩ của một cô bé ngây thơ như tôi mà đối với nhiều người, được đi sang châu Âu là oai, là giàu có và sung sướng.
Mà vui sướng thật, cứ mỗi lần bác về là cho tôi những hộp bánh kẹo đủ màu sắc và những chai nước gội đầu nhiều mùi hương hấp dẫn. Lúc đó tôi chẳng cần bánh chưng của bà nữa, mà chỉ cần ngắm và nhâm nhi mấy cái kẹo là vui thích rồi.
Tôi vẫn vô tư nhận những món quà như thế mà chẳng biết người mua nó có tốn tiền không cho đến khi nghe thấy bà tôi kể lại với người thân trong gia đình là bác cũng phải đi buôn bán vất vả, thậm chí là phải lao động dưới trời mưa tuyết mới dành dụm được tiền để gửi về quê nhà.
Lúc đó tôi không còn mong ngóng những gói bánh sôcôla béo ngậy nữa, mà thấy thương bác nhiều hơn.
Mấy năm qua, việc làm ăn ở bên kia cũng chững lại, với lại mái tóc của bác tôi cũng đã bắt đầu điểm bạc nên bác cũng dự định sẽ về Việt Nam. Chờ cho các con ổn định mọi việc và cũng là lúc bác tranh thủ giải quyết xong mọi việc của riêng mình, chưa kịp về thì năm nay dịch bệnh khó khăn quá.
Mọi dự định bị thay đổi nên ở nhà bà tôi buồn và lo nhiều, Sắp đến Tết nhưng bà không thích gói bánh chưng như mọi năm, mà giao việc này cho mẹ tôi lo liệu. Những ngày cuối năm, sát Tết, tôi chỉ nghe thấy ở đầu dây điện thoại bên kia giọng nói bác già đi, thâm trầm theo năm tháng, nhưng vẫn là nỗi nhớ nhà, nhớ bà tôi và cái mùi bánh chưng thơm nồng đặc biệt mà mỗi năm chỉ được một lần hít ngửi.
Bà ước mọi thứ vẫn thuận lợi như xưa để có thể dễ dàng gửi sang bên châu Âu một ít bánh chưng và giò lụa, coi như gửi hương vị quê hương cho người đi xa vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Ngày còn sống, ông tôi cũng thích ăn bánh chưng, mà trước kia chỉ có Tết mới được ăn nên quý hóa và trân trọng lắm. Sau này, khi mọi nhà có điều kiện hơn thì ai cũng được ăn bánh chưng thường xuyên nhưng cái hương vị bánh của ngày Tết lại có vị thơm ngon đặc trưng hơn cả.
Nó là sự hòa quyện của tình yêu thương gia đình, tình yêu quê hương và tình yêu lao động. Tết ngồi bên nồi bánh chưng xanh mới cảm nhận hết những niềm vui nỗi buồn đã qua và những điều sắp tới.
Có bánh chưng là có Tết, còn không có bánh chưng là coi như không có Tết hoặc đó là một cái Tết buồn và cô đơn. Mỗi năm, cứ đến ngày giỗ ông và vài ngày tuần rằm bà vẫn gói bánh chưng, vừa là thắp hương tưởng nhớ người quá cố, vừa là chia cho con cháu làm quà quê.
Tết năm nay vẫn có nồi bánh chưng nhưng là nồi bánh nhỏ hơn mà người nấu bánh là bà tôi đang trĩu nặng nỗi lo về cuộc sống của người thân bên kia Trái đất. Người ở xa thì nhớ nhung khôn nguôi mà dịch bệnh kéo dài.
Tết này, chắc người Việt Nam ở nước ngoài khó kiếm được một cái bánh nhập khẩu từ quê nhà. Có may mắn sẽ kiếm được ít lá dong để gói được vài chiếc bánh cũng là quý lắm rồi.
Chưa bao giờ con người bị sống cách ly, bị phong tỏa một cách "nguyên thủy" như vậy dù chúng ta đang sống ở thời đại văn minh nhất này. Cuộc sống quá mong manh, không thể tính trước được ngày mai ra sao.
Ai đó còn ở xa quê hương trong dịp Tết này mới thấm thía hết được. Những người còn được ở quê nhà, còn được hưởng một cái Tết trọn vẹn và ấm áp lại càng phải trân trọng những gì mình đang có được, bởi đó là giấc mơ đơn giản nhưng xa vời của những người con xa quê hương.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Hai tháng trước, tôi cầm túi quà đến cho V., anh công nhân nghèo ở cuối xóm trọ trong một con hẻm dài dằng dặc ở Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Tôi vô tình thấy mẩu tin nhờ hỗ trợ của anh trên một hội nhóm buôn bán của cư dân.
Xem thêm: mth.7551540230211202-aiht-maht-iom-yan-tet-pid-gnort-gnouh-euq-ax-o-noc-od-ia/nv.ertiout