Chủ tịch IFRC Francesco Rocca - Ảnh: AFP
Trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin AFP ngày 3-12, ông Rocca cho rằng nhiều nước vẫn chưa nhận ra thế giới luôn liên kết với nhau và sự xuất hiện của biến thể Omicron là "bằng chứng cuối cùng" cho thấy thực trạng này.
Khoảng 65% người dân ở các nước có thu nhập cao đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 trong khi tỉ lệ tại các nước thu nhập thấp chỉ 7%, theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc.
"Đây là một cách tiếp cận ích kỷ của cộng đồng phương Tây, một cách tiếp cận mù quáng", người đứng đầu IFRC nói về việc các nước tích trữ vắc xin và tiêm tăng cường cho dân mình trong lúc hàng triệu người khác chưa được tiêm liều nào.
Hiện có một luồng quan điểm cho rằng các biến thể của SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục xuất hiện chừng nào vẫn còn người chưa được tiêm vắc xin. Virus càng lây lan sẽ càng biến đổi do đó các nước nên chia sẻ vắc xin cho những nước nghèo và thu nhập thấp để tăng độ phủ vắc xin.
Biến thể Omicron có hàng chục đột biến và được Nam Phi báo cáo lần đầu hôm 26-11. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể này đã có mặt ở 38 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến ngày 3-12, tức chỉ 1 tuần sau khi WHO đưa biến thể này vào danh sách đáng lo ngại.
"Điều cần thiết và quan trọng là xác định các giải pháp mới, tìm ra dấu chấm hết cho đại dịch và cách duy nhất là tiêm vắc xin, để người dân được tiếp cận vắc xin mọi lúc mọi nơi", ông Rocca đặt vấn đề.
Theo ông Rocca, để làm được điều đó, cần tạm thời dỡ bỏ bảo hộ các bằng sáng chế vắc xin COVID-19 để thúc đẩy sản xuất. Ý tưởng này đã được nhiều người đưa ra trước đây nhưng vấp phải sự phản đối của các hãng dược.
"Đó là một mệnh lệnh đạo đức. Tôi không ngây thơ. Tôi biết có những công ty dược phẩm đang ra sức bảo vệ bằng sáng chế của họ", ông Rocca nói và cho rằng hành động của các hãng dược đang "trái với đạo đức".
IFRC là một trong những mạng lưới nhân đạo lớn nhất thế giới, hỗ trợ hoạt động các văn phòng Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ ở 192 quốc gia/vùng lãnh thổ. Tổ chức này có trụ sở tại Pháp và thường bị nhầm lẫn với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đặt trụ sở tại Thụy Sĩ.
TTO - Ngày 3-12, người phát ngôn Christian Lindmeier của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 nên chuẩn bị cho 'khả năng' phải điều chỉnh sản phẩm của họ vì biến thể Omicron.
Xem thêm: mth.58334616040211202-nix-cav-gnad-hnib-tab-auc-gnuhc-gnab-al-norcimo-crfi/nv.ertiout