Ngày 29-11, ông Huỳnh Chí Thông, doanh nghiệp tư nhân ở Cà Mau, cho hay vừa nhận được các giấy tờ phúc đáp từ Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với nội dung hiếm thấy. “Một công ty xuất nhập khẩu thủy sản mà được kết luận không có điều kiện THA với số tiền thậm chí chỉ 2,5 triệu đồng án phí. Chuyện lạ đời!” - ông Thông nói.
Công ty không có điều kiện thi hành án 2,5 triệu
Theo hồ sơ ông Thông cung cấp, ngày 26-11-2021, ông nhận được từ bưu điện bộ hồ sơ từ Chi cục THA dân sự huyện Thới Bình. Các văn bản này cho biết công ty phải THA cho ông là Công ty CP Chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản Mekong Việt Nam (huyện Thới Bình) không có điều kiện THA. Lý do là tài sản của công ty đã thế chấp hết cho một ngân hàng thương mại chi nhánh tỉnh Cà Mau.
Công ty có tài sản thế chấp vay được 25 tỉ đồng nhưng không có điều kiện
thi hành án phí 2,5 triệu đồng. Ảnh: TRẦN VŨ
Cụ thể, công ty này có hai tài sản là thửa đất và nhà xưởng trên đất đã thế chấp vay ngân hàng 25 tỉ đồng. Trong khi giá trị tài sản này thấp hơn số tiền đã vay. Từ đó, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Thới Bình đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA đối với công ty trên.
Cũng theo hồ sơ, Chi cục THA dân sự huyện Thới Bình liệt kê trong một năm qua, đơn vị này đã ra năm quyết định THA đối với công ty trên. Trong đó, ba quyết định chủ động THA phí ngày 8-9-2020, ngày 24-9-2020 và ngày 9-8-2021 với số tiền án phí lần lượt là 2,5 triệu, 4,1 triệu và 33,5 triệu đồng.
Ngoài ra còn có hai quyết định THA theo đơn yêu cầu của Công ty Biển Bạc ở TP.HCM (101 triệu đồng tiền bán chất phụ gia) và ông Huỳnh Chí Thông ở Cà Mau (165 triệu đồng tiền bán tôm thẻ cho công ty).
Tuy nhiên, ngay cả với số tiền án phí hơn 2,5 triệu đồng, công ty cũng không thực hiện và nay được kết luận là không có điều kiện THA. Được biết hiện công ty này đang hoạt động bình thường và đến nay vẫn chưa thi hành đồng nào trong số 306 triệu đồng phải THA.
Cục phó Cục Thi hành án dân sự Cà Mau nói gì?
Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với ông Sử Chí Nhân, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Thới Bình và là chấp hành viên phụ trách các vụ THA đối với Công ty Mekong nói trên. Tuy nhiên, ông Nhân từ chối trả lời phỏng vấn và cung cấp thông tin vì lý do theo luật định thì ông không được phép, trừ khi có ủy quyền của cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Cà Mau.
Ngày 2-12, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Hoàng Khâm, Cục phó phụ trách Cục THA dân sự tỉnh Cà Mau.
Trước thắc mắc của PV về việc xác minh tài sản mà không thấy đề cập đến tài khoản ngân hàng của công ty, ông Khâm cho biết: “Chấp hành viên đã xác minh tài khoản công ty nhưng lãnh đạo công ty này cho rằng họ không có giao dịch qua tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, chấp hành viên chưa tìm ra tài khoản của họ để kết luận họ vi phạm không cung cấp thông tin tài sản THA”.
Ông Khâm cũng cho biết về toàn bộ quá trình THA liên quan Công ty Mekong.
Về căn cứ xác định giá trị tài sản nhỏ hơn số tiền đã vay, ông Khâm cho biết đó là do chấp hành viên đánh giá trên cơ sở văn bản trả lời của ngân hàng. “Ngân hàng cho vay khoảng 70% giá trị tài sản nhưng qua nhiều năm, tài sản hao mòn. Chấp hành viên cảm thấy nó thực sự nhỏ hơn tiền vay nên không thể kê biên phát mại” - ông Khâm nói rõ.
PV đặt câu hỏi: “Giả sử chấp hành viên muốn ủng hộ việc không THA của công ty nên cảm thấy vậy thì sao”. Ông Khâm cho rằng người được THA có quyền yêu cầu thẩm định giá và phải chịu chi phí thẩm định.
Liên quan đến việc chấp hành viên có dấu hiệu chưa thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ THA, ông Khâm cho rằng lúc đầu, công ty không hợp tác, mời không đi, không kê khai tài sản. Chấp hành viên không xử phạt theo quy định là vì muốn vận động để việc THA suôn sẻ, không phải có thêm các quyết định hành chính. Còn thời gian xác minh tài sản có kéo dài là do dịch bệnh ảnh hưởng chung. Hơn nữa, việc xác minh tài sản không có quy định về thời gian phải hoàn thành.
Về việc công ty có tài sản chục tỉ đồng nhưng thậm chí không có điều kiện thi hành số tiền án phí 2,5 triệu đồng, ông Khâm cho rằng công ty không tự giác THA. Từ đó, chấp hành viên mới tiến hành xác minh tài sản theo quy định.
Trước đó, ngày 6-8-2021, Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh “Đỏ mắt tìm tài sản THA” phản ánh tình trạng qua nhiều tháng trời, chấp hành viên không xác minh được Công ty Mekong nói trên có món tài sản nào. Trong khi luật quy định chấp hành viên có 10 ngày để xác minh tài sản THA sau khi nhận được đơn đề nghị xác minh tài sản từ người được THA. |