Ngày 3-12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi giám sát tại UBND quận 4 và UBND quận 5 về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, phát biểu kết luận tại buổi làm việc với UBND quận 5, chiều 3-12.
Ảnh: LÊ THOA
Cán bộ phải chủ động cập nhật thông tin hộ tịch của dân
Hiện tại, quận 5 đã sáp nhập đơn vị hành chính phường 12 và phường 15 thành đơn vị hành chính mới, đặt tên là phường 12. Theo đó, quận 5 từ 15 phường giảm còn 14 phường, giảm 30 cán bộ.
Ông Trần Phương Nam, Chủ tịch UBND phường 12, cho biết sau khi sáp nhập phường 15 vào phường 12 thì phường mới đã sắp xếp thay đổi các giấy tờ hành chính cho người dân, hộ kinh doanh cá thể như giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân…
Để tạo điều kiện cho người dân thay đổi thông tin trên giấy tờ, phường đã có thông báo hướng dẫn điều chỉnh đến từng hộ dân, làm cơ sở liên hệ đến từng cơ quan, đơn vị.
“Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, nếu thủ tục của người dân vẫn ghi là phường 15 cũ thì cán bộ vẫn tiếp nhận hết nhưng trong văn bản phản hồi thì bổ sung cả thông tin phường 12 mới để người, nơi nhận biết rõ. Sau đó, cán bộ phải tự cập nhật vào hệ thống trong quá trình cấp mới các thủ tục hành chính” - ông Nam giải thích thêm.
Về an ninh chính trị, Thượng tá Văn Hồng Nam, Phó Trưởng Công an quận 5, cho biết sau khi sáp nhập thì phường 12 là địa bàn phức tạp với sáu bệnh viện và chợ phụ tùng xe Tân Thành...
Tuy nhiên, phường 12 đã đánh giá số hộ dân trong phường và tại mỗi khu phố để có sự sắp xếp nhân sự phù hợp, đảm bảo ổn định. Từ đó, số lượng tội phạm cũng ít hơn so với trước đây.
Phải tạo điều kiện cho dân làm thủ tục ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nhìn nhận nguyên tắc của việc giải quyết TTHC khi sáp nhập phường là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. “Sáp nhập là việc của cơ quan hành chính, Nhà nước; còn người dân phải được tạo điều kiện làm thủ tục sau sáp nhập” - ĐB Hạnh nói và cho rằng các cơ quan quản lý, doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ (điện, nước) không nên máy móc. |
Đóng tiền điện, nước vẫn đòi văn bản đổi tên phường
Tại quận 4, địa phương này đã sáp nhập phường 2 vào phường 5 thành phường 2 mới và nhập phường 12 vào phường 13 thành phường 13 mới. Từ đó, 15 phường ở quận 4, sau sắp xếp chỉ còn 13 phường; tinh giảm 35 cán bộ.
Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND quận 4, cho biết qua một năm thực hiện, các nghị quyết của QH đã mang lại nhiều kết quả. Trong đó việc sắp xếp đã tiết kiệm được chi phí hành chính hơn 756 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ngay từ khi tiến hành, quận 4 đã xác định việc sáp nhập sẽ tác động tới đời sống của người dân, việc đi lại, làm thủ tục hành chính (TTHC), an ninh trật tự.
Theo ông Chiến, vừa qua, quận 4 cũng đã bố trí nhân sự đảm bảo giải quyết các vấn đề về TTHC, an ninh trật tự cho người dân. Quận đã lập tổ công tác do một phó chủ tịch quận trực tiếp đến các phường tiếp nhận các vướng mắc phát sinh; đồng thời lấy ý kiến các ngành dọc để giải quyết cho dân.
“Có nhiều người đặt vấn đề sao không có văn bản đổi tên từ phường này sang phường khác. Khi đăng ký kinh doanh, đóng tiền điện, nước vẫn đòi phải có cái gì chứng minh phường anh bây giờ phường mới không, nhiều nơi vẫn đòi như thế” - ông Chiến chia sẻ.
Về nhân sự sau sáp nhập, ông Lê Văn Chiến cho rằng đây là vấn đề rất khó. Dù vậy, quận xác định công tác tư tưởng mang tính chất quyết định. “Ai bố trí ở đâu, ai nghỉ việc, quận đã làm cơ bản tốt việc này, không phát sinh khiếu nại, tố cáo nhưng có phát sinh vấn đề tư tưởng, được kịp thời tạo tâm lý thoải mái cho cán bộ” - ông Chiến nói và cho biết các trường hợp cán bộ dôi dư theo Nghị quyết 34/2019 sẽ được quận thực hiện từ đây đến cuối năm 2021.•
Cần có sự chủ động hơn về biên chế Phát biểu kết luận, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho biết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TP có chậm hơn so với tỉnh, thành khác sau khi TP xin phép trung ương. ĐB Tuyết cho biết Nghị định 34/2019 phải thực hiện nhưng với số dân và nhu cầu xử lý nhiệm vụ hành chính hiện nay tạo ra áp lực đối với đội ngũ cán bộ. “Nếu có sự chia sẻ từ trung ương để cho một chủ trương, một sự chủ động hơn về biên chế đối với TP để TP tăng cường cho các phường, xã thì tốt hơn, giúp cán bộ hoàn thành nhiệm vụ” – ĐB Tuyết nói. Bởi trên thực tế cán bộ đâu chỉ ngồi ở phường mà còn xuống dân nắm tình hình, có bộ phận chỉ ngồi tại chỗ nhưng cũng không thể giải quyết công việc kịp. ĐB Tuyết đề nghị quận 4 nên ghi nhận thêm ý kiến từ các phường; từ đó Đoàn ĐBQH TP sẽ có trao đổi với Sở Nội vụ để có ý kiến đề xuất. Còn tại quận 5, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nhìn nhận phường 12 đã chủ động triển khai việc thay đổi thông tin địa giới hành chính đối với các hộ kinh doanh và người dân trong các giao dịch. Từ đó, tạo cho người dân cảm giác an tâm về mọi quyền lợi sau khi sáp nhập hai phường. |