Mới đây, câu chuyện một chủ tịch của CJ Group bao nuôi idol đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. Lại một lần nữa, câu chuyện về gia tộc họ Lee của đế chế Samsung được lôi lại khi CJ tách ra từ tập đoàn này năm 1993 và hiện vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của dòng họ này.
Về lịch sử hình thành và quyền lực của những Chaebol-tập đoàn gia đình trị như của Samsung thì bạn đọc có thể xem thêm ở phần trước. Trong bài này chúng ra sẽ chỉ nói về trò chơi vương quyền của gia tộc họ Lee khi từ một cửa hàng bán đồ khô thành tập đoàn chi phối nền kinh tế-xã hội Hàn Quốc. Bài viết cũng có thể hé lộ phần nào về việc tại sao chủ tịch CJ lại thành "bố đường" 5 sao chất lượng trong làng bồ nhí đến vậy dù họ không nằm trong top 5 Chaebol lớn nhất Hàn Quốc.
Gia phả quyền lực của gia tộc họ Lee
Trò chơi vương quyền
Là một tập đoàn tài phiệt đa ngành có quy mô và tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn ngày nay, không một ai có thể nghĩ tiền thân của Samsung lại là một tạp hóa nhỏ chuyên bán các thức ăn khô ở tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc. Đây cũng chính là nguồn cội của gia tộc Lee giàu có sau này.
Ngày nay, Samsung ngày nay đã trở thành biểu tượng của nền kinh tế Hàn Quốc với mũi nhọn là Samsung Electronics chuyên về thiết bị điện tử thông minh cùng vô số các công ty con khác, bao gồm 59 công ty chưa niêm yết và 19 công ty đã được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của Hàn Quốc.
Từ những ngày sơ khai nhất, Samsung đã bắt đầu với 25 USD và con số đó sau gần một thiên niên kỷ đã phát triển thành 375,6 tỷ USD. Liên tục ở rộng các lĩnh vực kinh doanh và phạm vi hoạt động, Samsung trở thành tập đoàn đa quốc gia giàu mạnh cũng như dần khẳng định vị trí gã khổng lồ về công nghệ của Châu Á.
Quay trở lại câu chuyện họ Lee, vị tộc trưởng Lee Buyng Chul được cho là có quan hệ vô cùng thân thiết với Tổng thống Park Chung Hee thời bấy giờ, nhờ đó nhanh chóng trỗi dậy. Thế nhưng chính mối quan hệ này lại khiến một số người con phải ăn đau khổ.
Ông Lee có 8 người con và câu chuyện cuộc chiến vương quyền bắt đầu nảy sinh khi Samsung dần lớn mạnh. Bản thân tộc trưởng Lee cũng cảm thấy đau đầu khi tính đến việc kế thừa di sản cho lớp con cháu sau này.
Ban đầu theo đúng truyền thống truyền ngôi cho con trưởng, ông Lee Maeng Hee đáng lẽ đã ngồi được vào chiếc ghế điều hành vào năm 1967.
Thế nhưng trong thời gian "thử việc", cậu cả nhà Samsung đã không được lòng nhiều nhân viên bởi vì cách làm việc khá cứng nhắc và cố chấp. Thậm chí người cha Lee Byung Chul còn khẳng định người con trai cả của mình đã làm Samsung trở nên hỗn loạn chỉ trong vòng 6 tháng lên nắm quyền.
Trên thực tế theo truyền thông địa phương, câu chuyện đổi người lãnh đạo này cũng mang đầy yếu tố âm mưu. Năm 1966, người con thứ là Lee Chang Hee nhập lậu 50 tấn đường Saccharin vào Hàn Quốc bị phanh phui và người đứng đầu Samsung, tộc trưởng Lee Buyng Chul đã phải từ chức để nhận trách nhiệm. Người được lợi nhất trong vụ bê bối này là con trai cả Lee Mang Hee và cũng dễ hiểu khi tộc trưởng Lee không hài lòng về ông.
Nhà sáng lập Lee Buyng Chul cùng con thứ 3 là Lee Kun Hee và cháu trái Lee Jae Yong
Người con trai thứ 2 Lee Chang Hee cũng không hề khấm khá hơn sau khi bị dính bê bối. Mặc dù đã được người cha đứng ra chịu trách nhiệm nhưng có vẻ ông Lee Chang Hee vẫn chưa chịu thua. Người con trai thứ 2 này đã gây ra một sự việc nghiêm trọng là tiết lộ với Tổng thống Hàn Quốc về quỹ đen của cha mình để dành được lợi thế trong việc chào giá với C-suite. Kết quả, người con thứ 2 đã đập tan niềm tin của cha và phải sống lưu vong ở Mỹ suốt thời gian dài.
Cuối cùng, người chiến thắng lại là Lee Kun Hee, đứa con biết nhẫn nhịn chờ thời trước sự đấu đá của 2 người anh. Sau quãng thời gian "thử việc", tộc trưởng Lee bắt đầu tỏ rõ ý định đẻ Lee Kun Hee nối ngôi.
Năm 1987, ông Lee Buyng Chul qua đời, chính thức trao lại di sản cho người con thứ 3 Lee Kun Hee. Vậy nhưng sóng gió gia tộc họ Lee vẫn chưa chấm dứt.
Sự ra đời của CJ
Tưởng chừng như Lee Kun Hee sẽ nắm quyền điều hành gia tộc sau khi người cha mất, nhưng có vẻ nội bộ gia đình họ Lee không được yên ổn như mọi người vẫn nghĩ. Thế hệ thứ 2 của gia tộc này bắt đầu chia tách khi người con gái Lee In Hee vốn chịu trách nhiệm mảng đồ gia dụng của Samsung tách ra thành lập tập đoàn Hansol, chuyên kinh doanh giấy và thiết bị điện tử.
Trong khi đó, cô con gái khác là Lee Myung Hee vốn đảm nhận mảng bán lẻ cũng tách ra thành Shinsegae Group.
Năm 1997, công ty bán thực phẩm và dược phẩm sinh học CJ Cheil Jedang tách khỏi tập đoàn Samsung và được lãnh đạo bởi Lee Jay-hyun, con trai của "Cựu thái tử" Lee Maeng Hee. Vụ bê bối gần đây của Chủ tịch Lee Jae Hwan có liên quan đến CJ. Vị đại gia này cũng là con của "Cựu thái tử" Lee Maeng Hee và được thừa hưởng khối gia tài khá khổng lồ từ gia tộc họ Lee, bất kể khi xưa người cha có bị thất sủng đi chăng nữa.
Về người con trai thứ Lee Chang Hee, con cháu của ông tiếp tục cuộc sống giàu sang khi điều hành tập đoàn Saehan chuyên về sợi quang học, vốn là đối tác quan trọng của Samsung.
Quyền lực bắt đầu phân tán. Có thể nói chiếc bánh Samsung mà tộc trưởng Lee Byung-chul để lại vốn đã không còn nguyên vẹn. Khi các thành viên đều không có được nguyên vẹn "chiếc bánh" thì họ sẽ chấp nhận tạo ra một chiếc bánh hoàn chỉnh khác, thay vì chỉ phụ trách một phần nhỏ của công ty.
Thế nhưng dù thế nào đi nữa, mọi bước đi của thế hệ họ Lee đều có sự hậu thuẫn của gã khổng lồ Samsung ở phía sau. Và có một điều rằng tất cả các công ty con, các lĩnh vực nhỏ mà gia tộc Lee khai thác đều vô cùng thành công và trở thành những doanh nghiệp hàng đầu của đất nước Hàn Quốc.
Đến thời của Lee Kun Hee, tình hình Samsung đỡ rối ren hơn khi chỉ có 1 người thừa kế duy nhất là Lee Jae Yong. Trong khi người chị Lee Seo Hyun làm chủ tịch Samsung C&T thì người chị khác là Lee BooJin được trao cho khách sạn Shilla và mảng Samsung Everland.
Dù bớt đau đầu về tranh chấp thừa kế nhưng hiện nay Samsung lại đang phải đối mặt với khoản thuế thừa kế cực lớn cùng làn sóng phản đối bất bình đẳng xã hội dâng cao trong giới trẻ.
http://tintuc.vdong.vn/12/1115649.htmHuyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị