vĐồng tin tức tài chính 365

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 1: Vào cửa tử

2021-12-04 09:59
Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 1: Vào cửa tử - Ảnh 1.

Nghiên cứu dơi ở tỉnh Laguna (Philippines) - Ảnh REUTERS

Uống máu dơi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.

TS SUPAPORN ACHARAPLUESADEE

Để nhận dạng nguy cơ này, từ lâu các thợ săn virus đã liều mình đi săn lùng mầm hiểm họa. Công việc thầm lặng, hiểm nguy.

Để giải thích trạng thái đột biến bất thường của biến thể mới nhất Omicron, một số nhà khoa học đã đưa ra giả thiết mới cho rằng Omicron có thể đã tiến hóa từ một loài động vật khác. 

Theo giả thiết mới, một loài động vật nào đó - có khả năng là loài gặm nhấm - đã nhiễm virus SARS-CoV-2 từ giữa năm 2020. Sau đó, virus đã tiến hóa, tích lũy khoảng 50 đột biến rồi lây sang người.

Từ virus bệnh dại đến COVID-19

GS.TS miễn dịch học Kristian Andersen tại Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ) cho rằng biến thể Omicron có thể từ động vật lây truyền ngược cho con người. 

Ông phát biểu trên trang web thông tin y học STAT hồi đầu tháng 12-2021: "Tôi nghĩ chúng ta không nên loại trừ khả năng này". Một số nhà khoa học khác đã từng nghiên cứu quá trình tiến hóa của virus cho biết không nên bỏ qua giả thiết nêu trên, bởi lẽ virus SARS-CoV-2 có đặc điểm nhảy lung tung từ loài này sang loài khác lây nhiễm cho một số loài chó, mèo, chồn, hươu.

Từ lâu, các nhà khoa học đã cảnh báo một đại dịch khác có nguy cơ xảy ra từ virus trên động vật lây sang người. 

Theo tạp chí National Geographic, đến nay chỉ mới có khoảng 260 loại virus lây sang người được nhận dạng trong khi số virus chưa biết rõ khu trú trên động vật có vú và chim lên đến 1,6 triệu loại virus. 

Các mô hình toán học dự báo khoảng 50% trong số này có khả năng lây nhiễm sang người. Khi các nhà nghiên cứu phát hiện virus lạ thì đã quá trễ, bởi lúc đó virus đã làm nhiều người chết.

Nhiều nhà khoa học như nữ TS Supaporn Wacharapluesadee không muốn kết cục như vậy và chủ trương phải truy tìm virus lạ từ động vật trước khi chúng gây đại dịch. 

Vì lý do đó mà bà đã lặn lội vào rừng sâu, đến các bản làng hẻo lánh và các hang động khắp Thái Lan để săn lùng virus lạ. Bà là một trong các chuyên gia nổi tiếng thế giới về các tác nhân gây bệnh từ loài dơi và là thợ săn virus nổi tiếng ở Thái Lan. 

Mới đây, hôm 13-10-2021, bà đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào Nhóm cố vấn khoa học về nguồn gốc các tác nhân gây bệnh mới (SAGO) gồm 26 chuyên gia phụ trách tiếp tục cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19 còn dang dở.

Từ đầu thập niên 2000, TS Wacharapluesadee đã cùng các đồng nghiệp giăng lưới bắt hàng ngàn con dơi lấy máu xét nghiệm virus bệnh dại (lyssavirus). Sau đó, bà chuyển sang nghiên cứu virus Nipah lây nhiễm từ heo sang người ở Malaysia và Singapore vào năm 1998. 

Bà đã xét nghiệm hàng ngàn mẫu nước bọt, nước tiểu và máu của 12 loài dơi và phát hiện virus Nipah đã lây nhiễm mạnh trong cộng đồng dơi quạ. 

Hầu hết loài dơi ở Thái Lan đều là loài được bảo vệ, nhưng máu tươi của chúng lại được quảng bá như món "ông uống, bà khen". 

Năm 2006, bà đã gửi thư cho tạp chí Clinical Infectious Diseases với nội dung cảnh báo mà những người thích món tiết canh dơi phải rùng mình: "Uống máu dơi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn".

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 1: Vào cửa tử - Ảnh 3.

Trang phục bảo hộ của các thợ săn virus trong rừng - Ảnh: SIMON TOWNSLEY

Tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm

Các thợ săn virus như TS Wacharapluesadee đều say mê khoa học, gần gũi với thiên nhiên và chấp nhận nguy cơ phơi nhiễm với bệnh hiểm nghèo để làm sáng tỏ các bí ẩn của virus gây dịch bệnh. 

Báo Le Monde (Pháp) nhận định trong đại dịch COVID-19, không chỉ các y bác sĩ trở thành tâm điểm chú ý mà còn có các thợ săn virus. Họ thường là các chuyên gia về virus học hoặc bác sĩ thú y sẵn sàng lên đường đi khắp thế giới truy tìm mầm bệnh từ động vật có thể lây sang người.

TS virus học Jean-Claude Manuguerra ở Viện Pasteur Pháp nhắc đến các rủi ro: "Rủi ro đầu tiên là tai nạn giao thông. Kế đến là những căn bệnh tồn tại ở các nước sở tại như sốt vàng da, viêm màng não, sốt rét. Một nhà nhiếp ảnh làm việc cho chúng tôi đã chết vì bệnh sốt vàng da cách đây vài năm". 

Ngoài ra còn có các mối đe dọa trực tiếp. TS Manuguerra liệt kê: "Trong các hang động nơi dơi sinh sống có thể có nấm histoplasma, một loại nấm có thể gây chết người. Vì vậy, chúng tôi luôn mang khẩu trang FFP3. 

Nếu có động vật gặm nhấm, nước tiểu của chúng có thể mang mầm bệnh leptospirosis. Phân dơi tích tụ có nguy cơ giải phóng khí amoniac, vì vậy ngoài khẩu trang còn cần có kính bảo vệ".

Để bảo đảm quần áo không bị nhiễm, thợ săn virus luôn mặc áo blouse. Nếu nghi ngờ có virus gây bệnh đặc biệt như Ebola hoặc Marburg, họ sẽ dùng bộ áo liền quần và khẩu trang có hệ thống lọc khí. 

Làm thế nào để dự đoán những điều bất trắc? TS Eric Leroy tại Viện Nghiên cứu vì phát triển Pháp (IRD), người đã có 25 năm kinh nghiệm săn virus ở Gabon, cho biết: "Có khác nhau cơ bản giữa lấy mẫu từ động vật sống và động vật chết". 

Một con vật chết có thể chứa rất nhiều virus. Các nhà khoa học phải mặc trang phục như đồ lặn và khẩu trang bảo vệ cao như đang ở trong phòng thí nghiệm P4. 

Từ khâu lấy mẫu đến khâu đóng gói và vận chuyển đều phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, kể cả đốt các chất thải nhỏ nhất. Nếu động vật còn sống, lượng virus khu trú trên người chúng có thể thấp hơn.

TS Leroy phân tích: "Nếu phải hy sinh động vật để lấy mẫu cơ quan nội tạng như lá lách hoặc gan là nơi tập trung mầm bệnh, vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cẩn trọng. Nhưng thông thường chỉ cần lấy phân để theo dõi virus, lúc này một bộ quần áo bảo hộ đơn giản là đủ". 

Ông kể lại chuyến đi đến Congo vừa mới thực hiện và nói: "Rủi ro chủ yếu đối với dơi là vết cắn, vì vậy phải mang loại găng tay đặc biệt". Ông thừa nhận: "Trong nghề của mình, chúng tôi đều đã từng bị dơi cắn ít nhất một lần".

TS virus học Meriadeg Le Gouil tại Bệnh viện Đại học Caen nhận xét các nguy hiểm của nghề săn lùng virus luôn thay đổi, vì vậy cách phòng ngừa cũng khác nhau. Nếu ăn mặc kín mít như nhà du hành vũ trụ thì thợ săn virus thao tác chậm, chưa kể rất mệt mỏi, nhất là lúc trời nóng đến 45°C. 

Ngoài ra, người dân địa phương nhìn thấy họ mặc quần áo bảo hộ đặc biệt đi lại hằng ngày sẽ nghi ngờ và đổ lỗi cho họ nếu dịch bệnh bùng phát sau đó.

Nguy cơ lây bệnh nguy hiểm từ động vật

Các nhà nghiên cứu Mỹ, Úc, Bỉ và Trung Quốc đã phát hiện 18 loại virus mới có thể lây truyền từ động vật sang người tại các chợ nổi tiếng ở Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu chưa qua bình duyệt đã được công bố trên trang BioRxiv ngày 12-11-2021.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 1.725 mẫu lấy từ 16 loài thuộc 5 bộ của lớp động vật có vú, trong đó có các loài đã bị Trung Quốc cấm buôn bán hoặc sinh sản nhân tạo do lo ngại lây bệnh. Họ xác định 71 loại virus nguy hiểm và 18 loại virus có nguy cơ cao lây nhiễm cho người và vật nuôi.

Động vật tiềm ẩn nguy cơ cao nhất là cầy vòi mốc (Paguma larvata) có số lượng virus truyền bệnh nhiều hơn hết, trong đó có chủng virus corona HKU8 do dơi truyền sang cầy vòi mốc và virus cúm gia cầm H9N2.

*******

Các thợ săn virus ở Cameroon vào rừng bắt dơi lấy mẫu rồi tiếp tục săn lùng khỉ đột và tinh tinh để lấy phân. Chuyến đi khảo sát ở miền nam Cameroon đã diễn ra như thế nào?

>>Kỳ tới: Một chuyến săn virus ở Cameroon

WHO: Cần chuẩn bị điều chỉnh vắc xin COVID-19 vì biến thể OmicronWHO: Cần chuẩn bị điều chỉnh vắc xin COVID-19 vì biến thể Omicron

TTO - Ngày 3-12, người phát ngôn Christian Lindmeier của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 nên chuẩn bị cho 'khả năng' phải điều chỉnh sản phẩm của họ vì biến thể Omicron.


Xem thêm: mth.28103332230211202-ut-auc-oav-1-yk-aoh-meih-gnul-nas-iougn-gnuhn-suriv-nas-oht/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 1: Vào cửa tử”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools