Hà Nội tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh lớp 12 để chuẩn bị học sinh quay trở lại trường - Ảnh: NAM TRẦN
Hà Nội: giám sát những dấu hiệu bất thường từ các ổ dịch
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành công điện khẩn yêu cầu Sở Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra. Trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn của Bộ Y tế, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vắc xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với biến chủng mới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-12, bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết thời gian tới TP sẽ tiếp tục quản lý chặt đối với người nhập cảnh từ nước ngoài, thực hiện cách ly chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế, hạn chế không để ca bệnh có thể mang biến chủng mới lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
"Ngoài ra chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cộng đồng để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để để không lây lan, bùng phát rộng, đồng thời giám sát những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19 trên địa bàn" - bà Hà nói.
Sở Y tế cũng sẽ chỉ đạo tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi tình huống ca bệnh tăng cao, trong đó có thể có ca bệnh mang biến chủng Omicron.
Theo vị lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, ngoài những biện pháp kể trên, TP cũng sẽ chủ động đề xuất Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới nếu xuất hiện ở thủ đô, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi và các quốc gia đã ghi nhận các ca mắc biến chủng mới.
TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tiêm vét mũi 2 cho người có bệnh nền, người từ các tỉnh thành khác đến lao động, học tập, triển khai nhanh chiến dịch tiêm cho trẻ 12 - 14 tuổi theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
TP.HCM: huy động y tế tư nhân tham gia điều trị
Ngày 30-11, khi tình hình F0 tăng, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND đề xuất Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ duy trì hoạt động 85 trạm y tế lưu động với số lượng 153 nhân viên y tế đến hết tháng 12-2021. Bên cạnh đó, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cũng đã có văn bản gửi UBND TP về việc thí điểm cơ chế cho y tế tư nhân tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Hiện nay hệ thống y tế tư nhân gồm 64 bệnh viện tư nhân, 215 phòng khám đa khoa, 6.223 phòng khám chuyên khoa và hơn 9.000 nhà thuốc tư nhân. Nếu huy động được các đơn vị tư nhân này thì sẽ góp phần không nhỏ giúp giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở và tăng cường hiệu quả trong công tác phòng chống dịch giai đoạn hiện nay.
Cụ thể, cơ sở y tế tư nhân được đăng ký làm trạm y tế lưu động để chăm sóc và điều trị F0 tại nhà. Trung tâm y tế quận, huyện ký hợp đồng trách nhiệm với phòng khám tư nhân, phân bổ số F0 theo quy định từ 50 - 100 người.
Ngoài ra Sở Y tế cũng đã đề xuất cho các cơ sở cách ly tập trung như cơ sở sản xuất, kinh doanh, khách sạn... được lựa chọn cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện tham gia thực hiện chăm sóc F0 và ký hợp đồng theo mức giá thỏa thuận.
Không bay đến 10 nước châu Phi, kiểm soát chặt khách đến từ nước có chủng Omicron
Đây là đề xuất của Cục Hàng không trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải ngày 3-12. Theo đó:
- Báo cáo Thủ tướng cho phép không thực hiện các chuyến bay giữa Việt Nam và 10 quốc gia châu Phi gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia; cấm nhập cảnh đối với hành khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 30 ngày trước khi vào Việt Nam.
- Có ý kiến và đề nghị Bộ Y tế để có hướng dẫn cụ thể về kiểm soát y tế đối với hành khách đến từ một số quốc gia đã xuất hiện Omicron; kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác cách ly y tế, đảm bảo 100% hành khách quốc tế đến từ các quốc gia đã xuất hiện biến chủng Omicron phải cách ly y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam.
- Có ý kiến và đề nghị Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện khách đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu hàng không để thông báo kịp thời cho Bộ Y tế, cơ quan y tế của địa phương nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan biến thể này.
Chi viện nhân lực, tăng vắc xin, thuốc điều trị
Hôm qua 3-12 ghi nhận có 200 ca tử vong trên 13.670 ca mắc mới trên cả nước (trong đó Hà Nội có 791 ca nhiễm). Tỉ lệ tử vong tăng lại lên mức 2,1%/tổng số mắc (thời gian gần đây đã giảm xuống 2%). So sánh tuần này với tuần trước, số mắc mới tăng 32,7%, so với tháng trước tăng gần 150%. Số ca tử vong cũng tăng và liên tục lập các "đỉnh" mới tính từ thời điểm nới giãn cách.
Bắt đầu điều quân chi viện
Hôm 2-12, đoàn 9 y bác sĩ hồi sức tích cực và truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai đã lên đường đi An Giang, địa phương phía Nam đang có số mắc và số tử vong khá cao, để hỗ trợ chuyên môn. Đây là đoàn thứ 2 của Bệnh viện Bạch Mai đi hỗ trợ các tỉnh đang có dịch nóng, kể từ khi bệnh viện này bàn giao Bệnh viện dã chiến số 16 cho TP.HCM hôm 17-10, khép lại chiến dịch 77 ngày hỗ trợ TP.HCM.
Tại Vĩnh Long cũng có một đoàn 12 y bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết trung ương đang hỗ trợ. Tại Cần Thơ, địa phương đang xếp thứ 2 về số mắc mới hằng ngày (ngày 3-12 là 982 ca) đang có 350 giường điều trị cho bệnh nhân nặng (bệnh nhân nặng cần cấp cứu, hồi sức tích cực), nhưng đến 2-12 đã sử dụng 318 giường, số giường tầng 2 cũng chỉ còn khoảng 300 giường, trong khi số lượng bệnh nhân mới ghi nhận hằng ngày rất cao.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cách đây vài ngày, Cần Thơ cho biết đang có hệ thống điều trị tầng 3 khá tốt, triển khai điều trị F0 tại nhà nhanh. Cần Thơ cũng đã được cấp 30.000 viên Avigan (Favipiravir), loại thuốc kháng virus có thể triển khai ngay đến F0. Hội Thầy thuốc trẻ cũng đã triển khai ngay mạng lưới đồng hành, với 600 bác sĩ hỗ trợ từ xa cho Cần Thơ.
Như vậy Bộ Y tế đã giao 14 bệnh viện hỗ trợ 11 địa phương nhưng đến nay mới có 2 tỉnh có sự hiện diện trực tiếp của y bác sĩ chi viện, còn lại phần lớn đang ở diện hội chẩn từ xa.
Trao thuốc điều trị COVID-19 cho bệnh nhân cách ly tại nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Tăng cường vắc xin, thuốc và điều trị
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới về tiêm chủng mũi 3. Tính đến 3-12 cả nước đã tiêm gần 126 triệu liều vắc xin, phủ mũi 1 cho trên 95% người từ 18 tuổi, số tiêm đủ 2 mũi đạt 70%. Với trẻ 12 - 17 tuổi, số tiêm đủ 2 mũi đã đạt khoảng 10%.
Trong khi dịch căng thẳng, nhóm nguy cơ cao nhất là nhóm từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền, bị suy giảm miễn dịch... Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm liều nhắc lại ngay 28 ngày sau khi tiêm mũi 2 cho nhóm này, cùng với nhóm nhân viên y tế và trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân khi có đủ vắc xin, có thể sử dụng vắc xin cùng loại với liều cơ bản hoặc sử dụng vắc xin công nghệ mNRA (vắc xin Pfizer hoặc Moderna). Việc tiêm nhắc lại triển khai ngay từ tháng 12 này.
Mặc dù chưa có bằng chứng về việc biến chủng Omicron nguy hiểm hơn, chưa xuất hiện ở Việt Nam và vắc xin vẫn có hiệu quả nhưng Bộ Y tế và các tỉnh thành đang chuẩn bị các bước đi ban đầu để chống dịch.
Có thiếu thuốc điều trị?
Các hướng dẫn gần đây đều yêu cầu cung cấp đủ thuốc và cung cấp sớm cho F0 đang điều trị tại nhà, nhưng thực tế đã có thời điểm thuốc điều trị hạn chế, lo đứt gãy chuỗi cung cấp thuốc. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức đang tổ chức việc cấp thuốc kháng virus cho biết do thuốc chưa được cấp phép, nguồn còn lại (của chương trình điều trị có kiểm soát) không còn nhiều.
LAN ANH
TTO - Đó là đề xuất của Cục Hàng không trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải ngày 3-12 về việc kiểm soát biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.