AUDIO bài viết
Theo Reuters, có ít nhất 9 nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã trở thành nạn nhân của phần mềm gián điệp Pegasus.
Một số nguồn tin quen thuộc cho hay cuộc tấn công này diễn ra gần đây, nhắm mục tiêu vào các quan chức chính phủ Mỹ có trụ sở tại Uganda hoặc những quan chức của đất nước. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ ai là người đã phát động cuộc tấn công.
NSO Group nói rằng họ không hề hay biết về cuộc tấn công, tuy nhiên, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng vĩnh viễn và thực hiện các hành động pháp lý nếu phát hiện ai đó đã cố tình thực hiện cuộc tấn công.
Vào tháng 11-2021, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã thêm NSO vào danh sách đen (hay còn được gọi là (Entity List - Danh sách thực thể) cùng với ba công ty khác vì lo ngại an ninh quốc gia.
Điều này có nghĩa là các sản phẩm của những công ty này sẽ không được nhập khẩu vào Mỹ, và chúng cũng không thể được xuất hoặc chuyển từ tổ chức này sang tổ chức khác.
NSO Group và Candiru (Israel) đã bị thêm vào danh sách đen vì có bằng chứng cho thấy các công ty này đã phát triển và cung cấp phần mềm gián điệp cho chính phủ nước ngoài.
Các công cụ này cho phép chính phủ nước ngoài nhắm vào những người bất đồng chính kiến, bao gồm các quan chức, nhà báo, doanh nhân, các nhà hoạt động nhân quyền, nhân viên đại sứ quán... Lưu ý, người dùng thông thường cơ bản không cần phải quá lo lắng vì phần mềm Pegasus.
Theo một cuộc điều tra gần đây của một nhóm gồm 17 tổ chức truyền thông, có vẻ như Pegasus đang được sử dụng để tấn công những người chỉ trích chính phủ thay vì chống lại tội phạm. Hơn 180 nhà báo đã được đưa vào danh sách, bao gồm các phóng viên và giám đốc điều hành của Financial Times, CNN và New York Times.
Trước đó không lâu, Giám đốc điều hành NSO Group - Shalev Hulio đã bác bỏ lo ngại rằng phần mềm gián của công ty có thể bị sử dụng với mục đích xấu, ông nói rằng những công dân tuân thủ luật pháp thì không có gì phải sợ.