Vợ chồng Lượng, Đào ngắm những trái cà chua xanh mới nhú bên cửa sổ - Ảnh: LÊ VÂN
Nếu bạn đang trách cuộc đời sao đặt bạn vào những éo le, hãy nghe cặp vợ chồng tí hon này kể lại cuộc đời và tình yêu của họ suốt 6 năm qua.
Người chồng Nguyễn Văn Lượng, 34 tuổi. Vợ anh là Nguyễn Thị Thu Đào, 30 tuổi. Cả hai chỉ cao chưa tới 1,1m nhưng đã cùng nhau vượt qua bao "ngọn núi" cao nghịch cảnh từ thuở lọt lòng.
Hai học trò Lượng, Đào của mình mỗi lần về quê chèo ghe đi bắt cua bắt ốc, lên thành phố thì dắt nhau đi bán vé số để tự trang trải cuộc sống và phụ gia đình. Cũng là cái duyên may họ tìm thấy nhau để bớt lẻ loi.
HLV Đặng Văn Phúc
Hai mảnh đời bé nhỏ đến bên nhau
Bốn tháng giãn cách do dịch, cây cà chua vợ chồng tí hon Lượng - Đào trồng bên ô cửa sổ nhỏ đã ra những trái xanh ngắt đầu tiên. Hai vợ chồng là vận động viên khuyết tật môn ném lao - ném đĩa - cử tạ của đội tuyển điền kinh TP.HCM.
Trước đó, họ từ Đồng Tháp lên TP chuẩn bị cho giải đấu thể thao người khuyết tật toàn quốc. Nhưng rồi họ bị bão dịch cuốn theo, mắc kẹt ở TP.HCM. Vợ chồng Lượng - Đào được huấn luyện viên cho ở nhờ trên tầng thượng có căn gác mái của Trung tâm thể thao quận Tân Bình.
Lượng, sinh ra trong gia đình làm nông ở Đồng Tháp. Nhà Lượng có 5 anh chị em thì hết 3 người vóc dáng thấp bé chỉ cao hơn 1m. Lớn lên, anh thấy gia đình khó khăn nên xin đi làm mướn, buôn bán phụ giúp gia đình.
"Ở quê, thấy bạn bè cùng trang lứa có người chơi với mình nhưng cũng có người kỳ thị thì buồn chứ. Nhưng rồi nghĩ trời cho mình vậy thì chịu, than khóc cũng có hết lùn được đâu? Nhất là nghĩ đến ba mẹ, mình cố gắng học hết lớp 6 rồi phụ người ta từ việc ở trạm xăng, rửa chén thuê, ai kêu gì làm nấy. Có những ngày người ta "ép công" vì mình lùn nên chỉ trả công bằng 1/3 hay phân nửa người thường, mình cũng ráng nhịn, ráng làm" - Lượng kể.
Cơ hội tìm việc ở quê ngày càng khó, Lượng khăn gói lên TP.HCM bán vé số. Chàng lùn hiếu thuận ngoài đắp đổi nuôi thân còn dành dụm mỗi tháng gửi tiền về phụ cha mẹ già và anh em khuyết tật ở quê.
Tình cờ cuối năm 2012, Lượng gặp một người anh chơi thể thao người khuyết tật. Từ đó chàng lùn bắt đầu nghiệp chơi thể thao từ năm 2012 tới nay.
Thành tích của Lượng đủ cả huy chương vàng, bạc, đồng cấp thành phố, giải toàn quốc ở bộ môn ném lao - ném đĩa - cử tạ. Lượng vừa bán vé số mưu sinh, vừa dành thời gian chơi thể thao khi có giải.
Niềm vui của Lượng khi chơi thể thao không chỉ là thành tích hay tiền thưởng, mà còn được gặp anh em cùng hoàn cảnh, khao khát được cống hiến và ghi nhận trong đội tuyển thể thao người khuyết tật.
Lượng kể: "Có những đợt thi 10 ngày vui lắm, mình được gặp anh em, đi du lịch đây đó mà nếu không có giải đấu chắc cả đời mình không bao giờ dám mơ. Và nhất là được gặp người vợ bây giờ của mình".
Ngồi nép bên anh chồng tí hon, chị Đào xúc động nhớ lại vào đầu 2014, khi Lượng đang đi tìm giùm thầy một vận động viên nữ cho tuyển điền kinh thì gặp chị. Họ biết nhau trên đường đi bán vé số.
Cũng như Lượng, Đào nhận lời với sự hứng khởi vì được ngao du ở một thế giới mới - nơi họ có thể nỗ lực và được ghi nhận.
Chị Đào kể: "Đâu có nghĩ chi xa xôi, mình từ Bình Định vào Sài Gòn đi bán vé số, cũng chỉ ước mong kiếm được tiền nuôi thân. Gặp anh thì coi như bạn bè đồng cảnh. Rồi thương luôn lúc nào không hay". Anh Lượng thì bảo: "Tui cũng vậy. Tự nhiên hai mảnh đời xô đẩy vào nhau rồi thương thôi. Chắc là duyên số".
Đôi vợ chồng trên đường mưu sinh bán vé số - Ảnh: LÊ VÂN
Nước chảy lục bình trôi
Lúc mới thương nhau, Lượng, Đào cũng chỉ giữ trong lòng vì sợ cùng lùn thì chỉ làm khổ nhau. Ba mẹ hai bên cũng không đồng tình vì lo hai đứa khổ do khác vùng miền, cùng thấp bé làm sao nuôi nhau? "Động lực để tụi mình cưới nhau có lẽ là do năm 2015, nghe cô nghệ sĩ Kim Cương tổ chức lễ cưới cho 40 cặp khuyết tật.
Hai đứa đi xem thử thì đúng thật. Về nhà hai đứa bảo người ta cũng như mình mà vẫn mưu cầu hạnh phúc.
Tại sao hai đứa không dám đến với nhau?" - Đào tâm sự. Thế rồi hạnh phúc mỉm cười từ ấy. Ngày 20-10-2015, Lượng, Đào chính thức được tổ chức một đám cưới ấm áp ở TP.HCM.
Năm 2016, Đào có bầu. Đó là một bé trai kháu khỉnh nặng tới 3,1kg lúc mới sinh. Nhưng em bé bị viêm hô hấp từ trong bụng mẹ nên mất ngay khi chào đời. Đào rớm nước mắt kể: "Lúc có bầu hơn 2 tháng bác sĩ đã khuyên nên chấm dứt thai kỳ vì bé yếu đường hô hấp.
Nhưng mình không thể làm điều đó. Mình quyết cầu may sinh bé. Mình chưa bao giờ trải qua cảm giác làm mẹ, chưa bao giờ mơ ước đến thế. Nhất là khi con đang cử động trong bụng mẹ. Nên dù có nguy hiểm ra sao mình vẫn cố gắng để giữ con, hy vọng vào một phép mầu".
Đã 6 năm từ ngày phép mầu không lần nữa đến với cặp vợ chồng tí hon. Hôm nay họ vẫn gắng cùng nhau ngày ngày đi bán vé số, nuôi ước mơ thể thao và nương nhau để sống. Vợ chồng nhìn vào cây cà chua leo cao bên cửa sổ căn gác mái, hai trái cà chua xanh ngắt mới nhú lên. Họ thích thú chỉ cho nhau xem.
Đào chia sẻ: "Vợ chồng vẫn mơ ước có một đứa con, nhưng do mình thấp bé lại đã sinh mổ nên chồng không cho vì sợ cơ thể mình nhỏ quá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu bầu bì trở lại. Nếu có điều kiện, hai đứa sẽ xin nuôi một bé".
Dự định sắp tới của Lượng, Đào là đợi tập huấn rồi thi tiếp. Dịch ổn và bán vé số được thì họ ở lại TP.HCM buôn bán. "Còn không thì về quê, nước chảy thì lục bình trôi. Cứ sống rồi mọi thứ sẽ ổn thôi" - Đào nói. Tôi hỏi ai là nước, ai lục bình? Đào dí dỏm bảo: "Chắc mình là lục bình đó, trôi từ Bình Định vào Đồng Tháp rồi dạt lên Sài Gòn. Trôi theo chồng thôi".
Tin vui đến với căn gác mái của vợ chồng tí hon khi TP.HCM ngưng giãn cách. Họ trở lại với công việc quen thuộc là đi bán vé số.
Những ngày dịch, chủ câu lạc bộ thể thao ở tầng trệt thấy thương nên tạo điều kiện cho Lượng - Đào làm thêm ở câu lạc bộ. Vừa là để họ có nơi tập luyện thể lực chờ giải đấu đang bị trì hoãn do dịch, vừa là giúp họ có thêm ba bữa cơm mỗi ngày.
Nhưng trên căn gác mái này cũng không thiếu ngày thơ mộng. Đó là những đêm vắng tiếng xe, bầu trời trong vắt, vợ chồng tí hon kể họ nằm ở sân thượng ngắm sao.
"Có lẽ chưa bao giờ được nhìn thấy nhiều sao như vậy. Có hôm thấy mưa sao băng nữa, lần đầu trong đời thấy vậy nên nhớ hoài đó" - Lượng dí dỏm nói với vợ.
Cái chòi vui trên sân thượng
HLV trưởng Đặng Văn Phúc (môn điền kinh, đội tuyển thể thao người khuyết tật quốc gia) cũng là người thầy của Lượng - Đào. Ông chia sẻ về câu chuyện "cái chòi trên sân thượng" của Trung tâm thể thao quận Tân Bình: "Cũng mấy năm rồi, khi ấy tôi xin phép lãnh đạo quây tạm một căn phòng trên sân thượng của trung tâm để đón các em khuyết tật về thi cho các giải đấu toàn quốc hằng năm.
Hoàn cảnh các em tội lắm. Dù là vận động viên nhưng cũng chỉ mang tính phong trào, có giải thì thi vì đam mê và cũng là lấy thành tích, được giao lưu với bạn bè cùng hoàn cảnh. Ngoài giải đấu các em vẫn phải đi mưu sinh bằng nghề bán vé số hay làm thuê, làm mướn".
TTO - "Lúc siêu âm đứa đầu, bác sĩ bảo cháu sẽ có ngoại hình giống tui nhưng tui kiên quyết không bỏ. Bản thân tui đã vượt qua mọi rào cản để có cuộc sống, tình yêu như hôm nay thì tui tin con tui cũng sẽ làm được, thậm chí còn tốt hơn mình"
Xem thêm: mth.53461811140211202-iam-cag-nert-noh-it-hnit-neyuhc/nv.ertiout