Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chuyển đổi số là nhân tố thúc đẩy thực hiện 3 tiêu chí: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.
Nông thôn mới thông minh lấy chuyển đổi số làm "bàn đạp"
Thế giới đã chuyển sang giai đoạn mới, trong sản xuất, thương mại hay dịch vụ, chuyển đổi số là giải pháp sống còn “không thể làm khác” trong bối cảnh dịch bệnh COIVD-19 đang diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện các chủng mới thách thức tri thức nhân loại và khả năng chống chịu của các nền kinh tế.
Triển khai Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025”, ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng – Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh: Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung, và xây dựng nông thôn mới nói riêng, là chủ trương của Chính phủ, Bộ NNPTNT suốt 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xác định vấn đề này, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã đẩy mạnh triển khai vấn đề chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên cả nước; áp dụng chuyển đổi số để sản xuất thông minh, bán hàng trên các “cổng” tưởng “ảo” nhưng giá trị mang lại rất thật.
Với mục tiêu thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng xây dựng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chương trình quốc gia về nông thôn mới, cải thiện phương thức hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, đề án xây dựng 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Bao gồm: xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và một Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026-2030.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đề xuất nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, phát triển nền tảng cho chuyển đổi số. Quá trình này chủ yếu là nâng cao nhận thức, năng lực chuyển đổi số cho cán bộ toàn ngành nông nghiệp, cán bộ chương trình nông thôn mới và cộng đồng dân cư. Thứ hai, hoàn thiện chính sách và thể chế. Thứ ba, phát triển hạ tầng số và dữ liệu số.
Đây là biện pháp được đặc biệt lưu ý, khi liên quan tới chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ, và liên thông. Trên cơ sở này, nền tảng dữ liệu lớn (Big data) được hình thành để tiến tới xây dựng bản đồ số nông nghiệp.
Với tổng nguồn vốn dự kiến để triển khai chương trình giai đoạn 2021-2025 là 3.000 tỉ đồng, có 6 dự án được ưu tiên thực hiện. Gồm: Thứ nhất, thiết kế xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu số của Chương trình nông thôn mới. Thứ hai, ứng dụng trực tuyến phục vụ công tác lập kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp. Thứ ba, ứng dụng chuyển đổi số hỗ trợ chương trình OCOP. Thứ tư, ứng dụng chuyển đổi số phát triển du lịch cộng đồng. Thứ năm, thí điểm mô hình làng/xã thông minh tại các địa phương. Thứ sáu, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý về chuyển đổi số trong chương trình nông thôn mới.
“Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là một đề án mới. Trong quá trình thực hiện, chúng ta khó tránh khỏi bỡ ngỡ, nhưng không vì thế mà ngừng đưa chuyển đổi số vào tcuộc sống. Cách chúng ta tiếp cận chuyển đổi số sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân, cũng như tạo ra một bộ mặt nông thôn mới trong tương lai"- ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.
Dư địa chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới rất lớn
Hiện cả nước có 4,1 triệu hecta đất sản xuất nông nghiệp nhưng lại được chia nhỏ ra thành 7 triệu mảnh ruộng, trải dài trên 7 vùng sinh thái khác nhau. Trung bình mỗi năm, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ, mang về tới 42-43 tỉ USD, năm 2021 kỳ có thể đạt 44-45 tỉ USD. Hàng năm, nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 10 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên như lúa gạo, tôm, cá tra, caosu, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, sắn, đồ gỗ…
Đặc biệt, hàng năm, trong nhóm 6-7 mặt hàng trên 10 tỉ USD của cả nước, nhiều năm gần đây, ngành nông nghiệp cũng đóng góp 1 nhóm hàng (gỗ và đồ gỗ), sánh vai cùng các ngành công nghiệp như điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, phụ tùng, dệt may, da giày…
Mới đây, tại diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VI chủ đề: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp (tổ chức ngày 2.12.2021), TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) - khẳng định: Những con số về ngành hàng, kim ngạch xuất khẩu, quản lý thị trường, “tệp” khách hàng…, cho thấy dữ liệu khổng lồ, đòi hỏi nếu cần được "số hóa" hay chuyển đổi số từ các dữ liệu đơn lẻ thành một kho dữ liệu tổng hợp, chính xác, tiện tra cứu… để phục vụ cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp.
quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng gặp phải những thách thức lớn: Trình độ công nghệ của chúng ta ở mức trung bình, hạ tầng số hóa cần phải được quan tâm đầu tư, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. Đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, 9,1 triệu hộ nông dân thiếu vốn và thông tin về công nghệ mới là rào cản lớn nhất trong việc chuyển đổi số.
Tuy nhiên, đây cũng là tiềm năng, dư địa để thúc đẩy việc ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp trong thời gian tới.
Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, cần đẩy nhanh một số giải pháp quan trọng như: Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Được biết, đến tháng 11.2021, thông qua sự hỗ trợ của các bộ ngành chức năng và các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đã có hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam, hàng triệu nông dân được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa các sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện.
Cũng theo TS Trần Công Thắng, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 16 tỉ USD năm 2020, đạt 21 tỉ USD năm 2021 (tăng 31%) và dự kiến đạt 57 tỉ USD vào năm 2025 (bao gồm các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ).
Xem thêm: odl.988089-hnim-gnoht-iom-noht-gnon-gnud-yax-gnort-os-iod-neyuhc-hnam-yad/et-hnik/nv.gnodoal