Hai ông bà Phạm Xuân Đông Dương và Nguyễn Thị Lụa (huyện Bình Chánh - TP.HCM ) dù đã tiêm 2 mũi vắc xin nhưng thuộc nhóm nguy cơ cao nên rất cần được tiêm liều bổ sung - Ảnh: TỰ TRUNG
Đối tượng tiêm chủng đợt này tuy mở rộng từ 18 tuổi trở lên nhưng đặc biệt ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi, mang nhiều bệnh nền và nhân viên y tế.
Điều này cho thấy Chính phủ, Bộ Y tế quyết tâm tạo "hàng rào" vắc xin nhằm bảo vệ bằng được nhóm nguy cơ trước tình hình dịch đang còn khá phức tạp.
Nguy cơ rình rập người cao tuổi
Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, số ca mắc và ca tử vong có chiều hướng tăng lên. Qua phân tích, ca tử vong tăng nhiều ở nhóm người trên 50 tuổi và có các bệnh nền như tiểu đường, ung thư, tim mạch.
Theo số liệu của Bộ Y tế, trong mấy ngày đầu tháng 12-2021, số ca tử vong luôn trên dưới 200 ca mỗi ngày (ngày 1-12 có 196 ca, ngày 2-12 có 210 ca và ngày 3-12 có 200 ca). Trong đó, TP.HCM là địa phương có số tử vong cao nhất nước, 4 ngày đầu tháng 12 lần lượt có 68, 80, 68 và 75 ca.
Ghi nhận tại khoa hồi sức tích cực (ICU) của Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình (TP.HCM), hầu như các giường bệnh đều kín bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Các bác sĩ tại đây cho biết phần lớn bệnh nhân đều cao tuổi, kèm theo mắc các bệnh nền và đáng chú ý là nhiều bệnh nhân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 liều vắc xin. Trong số các bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây, ông N.T.B. (64 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) mắc nhiều bệnh nền nhưng ông chỉ có triệu chứng nhẹ sau 5 ngày nhiễm COVID-19.
"Tôi tiêm mũi 2 vào cuối tháng 9, cho đến nay đã hơn 2 tháng. Dịch bệnh phức tạp thế này, tôi chỉ mong sớm được tiêm vắc xin mũi tăng cường, nâng cao kháng thể để có sức chống chọi với bệnh tật" - ông B. nói.
Tại Bệnh viện Trưng Vương đang điều trị 135 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 60 bệnh nhân nặng (chủ yếu là bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh nền) cần phải theo dõi, hồi sức đặc biệt. Tình trạng tiêm chủng của những bệnh nhân vẫn đang được tổng hợp bởi đa phần họ rơi vào hôn mê sâu.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - giám đốc Bệnh viện dã chiến quận 8 (số 1) - cho biết bệnh viện có công suất 250 giường và hiện còn khoảng 60 bệnh nhân đang nằm điều trị. Trong số này, có tới 60 - 70% là bệnh nhân lớn tuổi (ngoài 50) và mang cùng lúc nhiều bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì...
"Các bệnh nhân nhập viện hầu như đã tiêm vắc xin và nguyên nhân chuyển nặng chủ yếu do cao tuổi và có bệnh nền. Theo ghi nhận nhóm bệnh nhân này độ phục hồi khá chậm, có người không qua khỏi" - bác sĩ Phong nói.
Theo bác sĩ Hồ Hữu Đức - phó giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình, thời điểm TP.HCM bắt đầu triển khai tiêm vắc xin đã khá lâu (nhân viên y tế tiêm từ tháng 3 và người dân bắt đầu tháng 6) nên có thể lượng kháng thể đang giảm dần khiến số ca nhiễm mới tăng trong những ngày qua.
Bác sĩ Đức cho rằng việc tiêm vắc xin bổ sung hoặc tiêm nhắc là cần thiết, đặc biệt ưu tiên những người cao tuổi, mắc bệnh nền, lực lượng tuyến đầu chống dịch...
Nhân viên y tế tại Trung tâm hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách chăm sóc cho bệnh nhân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các địa phương chờ "ra quân"
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, người đã tiêm đủ liều cơ bản (tùy loại vắc xin là 1, 2 hay 3 liều), sau 28 ngày có thể được tiêm mũi bổ sung. Sau 6 tháng kể từ ngày tiêm đủ liều cơ bản hoặc 6 tháng sau liều bổ sung thì có thể được tiêm mũi nhắc lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-12, hầu hết các quận huyện ở TP.HCM cho biết đã nắm được chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế và đang nóng lòng chờ kế hoạch triển khai cụ thể từ UBND TP.HCM.
"Đây là điều mà địa phương trông chờ nhằm bảo vệ cho những người cao tuổi, mang các bệnh nền... bởi nguy cơ chuyển nặng và tử vong của nhóm đối tượng này hiện rất cao, chiếm trên 50% tổng số ca tử vong" - TS.BS Nguyễn Trung Hòa, giám đốc Trung tâm y tế quận Gò Vấp, nói.
Theo bác sĩ Hòa, với việc tiêm nhắc sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch của người dân và giúp kéo giảm tỉ lệ người nhiễm COVID-19 chuyển nặng, tử vong.
Thống kê sơ bộ, Gò Vấp có khoảng 90.000 người trên 50 tuổi, trong đó hơn 40.000 người trên 60 tuổi. Nếu dựa theo tiêu chí của Bộ Y tế, địa phương phải sàng lọc những người có yếu tố nguy cơ thực sự để tiêm trước. Theo ông Hòa, cần có cơ chế huy động y tế tư nhân vào cuộc nhằm giảm gánh nặng cho y tế công lập, vốn cùng lúc "ôm sô" nhiều việc.
Bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho hay các nhà khoa học và công ty sản xuất nhận thấy kháng thể trung hòa giảm sâu sau 6 tháng kể từ lúc tiêm vắc xin COVID-19.
"Do vậy cần phải tiêm nhắc và bổ sung để tăng nồng độ kháng thể đạt tới một ngưỡng bảo vệ tối ưu. Đây chính là hàng rào bảo vệ người dân khi dịch chưa có dấu hiệu kết thúc và nhiều biến chủng mới xuất hiện" - bác sĩ Vân Anh nói.
Vừa xét nghiệm vừa phủ vắc xin
Một thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết về quy trình sau công văn chỉ đạo của Bộ Y tế và tham mưu của Sở Y tế TP.HCM, đơn vị sẽ trình phê duyệt kế hoạch triển khai tiêm chủng mũi bổ sung và mũi tiêm nhắc.
"Địa phương sẵn sàng, điều quan trọng lúc này là chỉ tiêu phân bổ vắc xin cho thành phố là bao nhiêu. Vắc xin phải được phân bổ đầy đủ, tránh trường hợp thiếu vắc xin như một số đợt tiêm chủng trước đó" - vị này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết sở đang lập kế hoạch chi tiết về việc tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thời gian bắt đầu tiêm còn tùy thuộc vào lượng vắc xin Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM.
Sở Y tế TP.HCM vừa mở chiến dịch "bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" nhằm mục tiêu giảm ca mắc và giảm nguy cơ tử vong do COVID-19.
Theo đó, lực lượng y tế cơ sở sẽ rà soát từng gia đình để lên danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền, người cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên).
Tiếp đó sẽ xét nghiệm nhanh cho từng thành viên của các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ. Nếu phát hiện F0 không thuộc nhóm nguy cơ thì khuyến khích đi cách ly tập trung để giảm nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên khác trong hộ gia đình, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ.
Trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ mà có bệnh nền ổn định, có nguyện vọng và đủ điều kiện cách ly tại nhà thì được nhân viên y tế cấp phát thuốc kháng virus để cách ly, điều trị tại nhà. Với các thành viên trong hộ gia đình có kết quả xét nghiệm âm tính, ai chưa tiêm vắc xin thì tiêm ngay; người trên 50 tuổi hoặc có bệnh nền đã tiêm đủ vắc xin ít nhất 6 tháng cũng được tiêm ngay mũi nhắc lại.
Ngoài ra, danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ sẽ được cung cấp cho mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" để được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa.
Bà V.T.N. (72 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM):
Mong được tiêm liều bổ sung
Mấy ngày nay tôi rất phấn khởi khi nghe thông tin sẽ tiêm mũi bổ sung cho người cao tuổi, mắc bệnh nền như tôi. Dịch bệnh ở địa phương đang phức tạp, riêng khu tôi ở có 2 ca nhiễm COVID-19 đang cách ly tại nhà.
Tôi đã tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 cách đây hơn 2 tháng, nhưng quả thật không biết có còn hiệu quả để chống lại COVID-19 hay không? Ở tuổi tôi nếu nhiễm chắc cũng dễ chuyển nặng lắm, lúc ấy lại khổ cho con cháu, do đó tôi rất mong sớm được tiêm mũi bổ sung để tăng sức đề kháng bảo vệ mình.
Cần tiếp tục tiêm đủ liều cơ bản cho tất cả người dân
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng tiêm vắc xin chưa chắc ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan dịch bệnh COVID-19 nhưng có hiệu quả bảo vệ 80 - 90% bệnh nhân, tránh chuyển nặng, giảm nguy cơ tử vong.
Theo ông, số ca nhiễm và tử vong có liên quan mật thiết với tỉ lệ tiêm đủ vắc xin. Số lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch ở các khoa hồi sức tích cực có khoảng 60 - 70% chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều cơ bản, tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi chiếm khoảng 30%.
Riêng trong số ca tử vong tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM có 55% người chưa tiêm mũi nào, 18% tiêm mũi 1, chỉ có 14% đã tiêm đủ 2 mũi và 13% chưa có thông tin. "Những con số này gợi ý chúng ta về một lượng người chưa tiêm đủ vắc xin.
Do đó ngoài việc cần ưu tiên tiêm liều vắc xin bổ sung, tăng cường cho những nhóm nguy cơ, phải đồng thời tiếp tục tiêm 2 mũi cơ bản cho tất cả người dân" - ông Dũng nói.
Chỉ chờ có vắc xin là tiêm ngay!
Nhiều tỉnh, TP khẳng định như vậy sau khi có văn bản của Bộ Y tế về việc chuẩn bị tiêm ngừa COVID-19 mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho người dân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 4-12, bà Lã Thị Lan - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho biết TP chỉ đang ở bước vạch trước kế hoạch vì nhiều nơi còn chưa được tiêm mũi 2, phải ưu tiên vắc xin để tiêm đủ liều cơ bản cho người dân trong độ tuổi.
"Hiện nay TP chưa được phân bổ vắc xin để tiêm mũi 3, trước mắt Hà Nội sẽ tiến hành phủ hết mũi 2 cho người dân, sau đó mới tiến hành tiêm mũi 3. Hiện toàn TP Hà Nội còn khoảng 700.000 người chưa tiêm vắc xin mũi 2 để ngừa COVID-19, bởi những người này tiêm mũi 1 khá muộn nên chưa đến lịch tiêm mũi 2" - bà Lan nói.
Theo cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 của Bộ Y tế, đến 17h30 ngày 4-12 Hà Nội đã tiêm được hơn 12,2 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân.
Tương tự, TS.BS Trần Quang Hiền - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - cho biết sở đang xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin mũi 3 (mũi bổ sung hoặc mũi nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên và dự kiến cần trên 1,4 triệu liều vắc xin.
Theo ông Hiền, tỉnh cũng xác định sẽ ưu tiên trước cho người từ 50 tuổi trở lên, người già, người có bệnh nền, người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng, như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng... theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lực lượng y tế Đồng Nai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu và cán bộ công chức - Ảnh: A LỘC
Theo ông Hiền, thời gian gần đây tình hình tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại An Giang đang có xu hướng tăng là do những người này chưa tiêm vắc xin hoặc chỉ mới tiêm mũi 1.
"Chúng tôi đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin. Nếu vắc xin về ít sẽ ưu tiên tiêm cho người già, người có bệnh nền trước. Còn vắc xin về đủ 1,4 triệu liều sẽ bắt tay tiêm đại trà luôn" - ông Hiền nói thêm.
Trong khi đó, ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết tỉnh đã xây dựng xong kế hoạch tiêm ngừa COVID-19 mũi bổ sung và nhắc lại với nhu cầu khoảng 1,2 triệu liều vắc xin.
Đối tượng ưu tiên vẫn là người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền suy giảm miễn dịch và các lực lượng phòng chống dịch ở tuyến đầu. "Hiện nay, chúng tôi đang cân đối vắc xin, có thể cuối tháng 12 này Đồng Tháp sẽ tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân. Nếu vắc xin về đủ sẽ bắt tay vào tiêm ngay cho bà con" - ông Bửu nói.
Bác sĩ Trần Văn Dũng - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng - cho biết đã có 96% dân số trên 18 tuổi trong tỉnh được tiêm ngừa COVID-19 mũi 1 và hơn 83% đã tiêm mũi 2. Theo ông Dũng, hiện tỉnh đã triển khai tiêm liều bổ sung cho người đã tiêm đủ liều cơ bản.
Tuy nhiên, do nguồn vắc xin hiện có của tỉnh còn hạn chế nên trước mắt chỉ tiêm bổ sung cho các đối tượng ưu tiên, gồm lực lượng tuyến đầu chống dịch, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi có bệnh nền.
P.TUẤN - B.ĐẤU - K.TÂM
Sóc Trăng tiêm bổ sung cho đối tượng ưu tiên
Bác sĩ Trần Văn Dũng - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng - cho biết đã có 96% dân số trên 18 tuổi trong tỉnh được tiêm ngừa COVID-19 mũi 1 và hơn 83% đã tiêm mũi 2. Theo ông Dũng, hiện tỉnh này đã triển khai tiêm liều bổ sung cho người đã tiêm đủ liều cơ bản.
Tuy nhiên, do nguồn vắc xin hiện có của tỉnh còn hạn chế nên trước mắt chỉ tiêm bổ sung cho các đối tượng ưu tiên, gồm lực lượng tuyến đầu chống dịch, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi có bệnh nền.
Theo bác sĩ Dũng, Sóc Trăng đặt mục tiêu trong năm 2022 có trên 95% trẻ em từ 3 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19 và tiêm mũi thứ 3 khi có chỉ định; trên 95% dân số từ 12 tuổi trở lên được tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại.
Có đủ vắc xin tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại?
Tính đến nay Bộ Y tế cho biết đã có hợp đồng trên 200 triệu liều vắc xin, đã nhận trên 140 triệu liều và đã tiêm xấp xỉ 130 triệu mũi, phủ mũi 1 cho trên 95% người từ 18 tuổi, người tiêm đủ 2 mũi đạt trên 70% nhóm từ 18 tuổi và trên 10% nhóm 12 - 17 tuổi.
Để phủ 2 mũi vắc xin cho nhóm từ 18 tuổi trở lên và nhóm 12 - 17 tuổi (chậm nhất trong đầu năm 2022, tổng số hơn 9 triệu cháu), cần khoảng 30 triệu liều. Như vậy, trong số 70 triệu liều đã nhận chưa tiêm và đã có hợp đồng nhưng chưa nhận, trừ 30 triệu liều để phủ cho 2 nhóm nói trên sẽ còn lại khoảng 40 triệu liều để tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại.
L.ANH
TTO - Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh diễn biến phức tạp, số mắc và ca tử vong có chiều hướng tăng lên. Hiện Việt Nam đã chuẩn bị đủ vắc xin để tiêm mũi nhắc lại sau 6 tháng.
Xem thêm: mth.92090028050211202-oc-yugn-mohn-ev-oab-ed-gnus-ob-meit-gnat-meihn-ac/nv.ertiout