John Maynard Keynes - nhà kinh tế học người Anh và là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 - đã so sánh việc đầu tư chuyên nghiệp với việc bình chọn hoa hậu, trong tác phẩm Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ, cho ra đời khái niệm tài chính hành vi Cuộc thi sắc đẹp Keynesian (Beauty Contest Keynesian). Cuộc thi sắc đẹp là một thử nghiệm kinh tế về lý thuyết trò chơi để nghiên cứu hành vi ra quyết định của con người, hay cụ thể là các nhà đầu tư.
Bạn nghĩ thế nào là đẹp? Thông thường thì mỗi nền văn hóa, thậm chí là mỗi người người sẽ có một tiêu chuẩn riêng cho cái đẹp. Trong thế giới tự nhiên, điều này giúp chúng ta dễ tìm được "bạn đời" hơn (sẽ thật khó khăn nếu như mọi người có tiêu chuẩn chung về cái đẹp và số đông sẽ tranh giành những người mà ai cũng cho là đẹp). Thế nhưng trong Cuộc thi sắc đẹp Keynesian thì khác.
Chắc hẳn bạn đã quen với những chương trình bình chọn hoa hậu, hay cầu thủ bóng đá, hay thần tượng âm nhạc "được yêu thích nhất". Được yêu thích nhất ở đây được hiểu là nhận nhiều phiếu bình chọn nhất. Nhưng khi việc nhận giải lại được quyết định bởi câu hỏi "phụ" (thật ra là không phụ chút nào) - "có bao nhiêu người lựa chọn giống bạn?" thì việc được bình chọn nhiều nhất không đồng nghĩa với được yêu thích nhất nữa.
Những cuộc bình chọn như vậy đã có từ rất lâu trong lịch sử. Vào những năm 1930, một cuộc thi bình chọn người đẹp được tổ chức khá phổ biến trên báo. Những người tham gia sẽ bình chọn gương mặt đẹp nhất trong số 100 bức ảnh. Mỗi độc giả được chọn 6 người, và lựa chọn của họ sẽ được so sánh với tất cả các độc giả khác khác. Nếu lựa chọn của độc giả chính là những gương mặt được bình chọn nhiều nhất, họ sẽ giành giải thưởng.
Một buổi sáng, John Meynard Keynes đã đọc về trò chơi này trên tờ báo địa phương. Lúc đó Keynes đã là một nhà kinh tế vĩ mô xuất sắc, nhưng vẫn "chật vật" trên thị trường chứng khoán. Ông sẽ cố gắng dự đoán khi nào thị trường tài chính sẽ thay đổi, dựa trên các chính sách kinh tế vĩ mô mà ông dự kiến sẽ thay đổi; nhưng dù hiểu biết về kinh tế hơn hầu hết người nước Anh, ông vẫn chỉ thu được lợi nhuận trung bình từ chứng khoán.
Do thất bại trong việc dự đoán thị trường, Keynes bắt đầu tự hỏi liệu làm như vậy có khả thi hay không. Do đó, ông bắt đầu quan tâm đến việc tìm kiếm một mô hình giải thích điều gì đã tạo ra bong bóng chứng khoán, sự sụp đổ và những biến động giá khác, mặc dù giá trị cơ bản của doanh nghiệp gần như không thay đổi nhiều mỗi ngày.
Cuộc thi sắc đẹp trên báo đã thu hút sự chú ý của ông như một mô hình tiềm năng.
Theo Keynes, bạn có thể sử dụng nhiều chiến lược khác nhau khi chơi trò chơi Cuộc thi sắc đẹp. Chiến lược thường gặp nhất là, bạn chọn ra 6 gương mặt mà cá nhân bạn thấy hấp dẫn nhất. Keynes và các nhà kinh tế học khác gọi đây là "chiến lược ngây thơ" vì nó dựa trên giả định rằng sở thích của bạn là phổ biến. Sau đó bạn lựa chọn những gương mặt bạn tin rằng những người chơi khác sẽ thấy hấp dẫn, giả định rằng những người khác cũng đang sử dụng chiến lược ngây thơ.
Keynes viết: "Đây không phải là câu chuyện bình chọn cho những thí sinh đẹp nhất trong mắt ai đó, cũng không phải là đẹp nhất theo tiêu chuẩn chung của nhiều người. Chúng ta đã đi đến bậc thứ ba, chúng ta để trí tuệ của mình phán đoán xem số đông những người cùng bình chọn sẽ dự đoán thế nào. Và tôi tin một số người còn đi đến bậc bốn, năm, thậm chí cao hơn".
Thực tế, lý thuyết này dùng để làm ví dụ cho những biến động ngắn hạn trên thị trường chứng khoán. Biến động này không phải do những thay đổi về giá trị cơ bản gây ra, mà là do các nhà đầu tư cố gắng tìm hiểu xem, cổ phiếu nào được "một nhà đầu tư trung bình" cho là có giá trị.
John Maynard Keynes
Trong tình huống này, đối với người bình chọn, quyết định tối ưu phụ thuộc vào những gì những người khác nghĩ và cách anh ta quyết định. Việc cố gắng xác định cổ phiếu có tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn giống như cố gắng đoán xem những người khác nghĩ rằng thí sinh nào xứng đáng là hoa hậu, là đẹp nhất. Việc này khác hoàn toàn với việc bạn cho rằng như thế nào là đẹp, vì nó chỉ là "bạn cho rằng người khác cho rằng như thế là đẹp".
"Đầu tư thành công là đón đầu dự đoán của người khác" - John Maynard Keynes nói. Nếu bạn có thể tìm hiểu phần lớn những người chơi trên thị trường chứng khoán đang nghĩ gì, bạn có thể đánh bại họ.
Và cũng giống như cách chúng ta thường không đoán đúng tiêu chuẩn cái đẹp của người khác, lý thuyết Cuộc thi sắc đẹp Keynesian cho thấy rằng khi chúng ta cố gắng dự đoán những gì người khác cho là giá trị, chúng ta thường nhầm.
Mọi thứ còn phức tạp hơn khi người khác cũng đưa ra bình chọn cùng lúc với bạn, việc dự đoán sẽ trở thành: "bạn cho rằng người khác cho rằng bạn cho rằng người khác cho rằng... như thế là đẹp" - một vòng lặp vô hạn.
Để dẫn đầu cuộc chơi, mỗi người chơi cần phải đi sâu hơn một cấp độ so với những người khác: họ cần đoán sở thích của người khác, dự đoán dự đoán của người khác và dự đoán của người khác về dự đoán của người khác...
Mặc dù có thể có người chiến thắng cuối cùng, nhưng với vòng lặp đó, một trò chơi đơn giản nhất, là quyết định khuôn mặt nào đẹp hơn, cũng sẽ trở thành một trò chơi vô cùng phức tạp.
Thậm chí, vấn đề lớn khác còn là những người tham gia không phải đều là những người ra quyết định hoàn toàn hợp lý, họ phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Nếu người tham gia trò chơi hoàn toàn lý trí biết về những người tham gia theo kiểu "cảm tính", thì việc dự đoán của họ còn trở nên khó khăn hơn nữa.
Mặc dù ngày nay, lý thuyết này không được sử dụng rộng rãi, nhưng Cuộc thi sắc đẹp của Keynes được cho là đã tạo tiền đề cho các khái niệm khác nhau trong kinh tế học hành vi.
Trong khi Keynes sử dụng hệ thống này để phân tích thị trường chứng khoán, điều mà mô hình thực sự tiết lộ, là con người không hoàn toàn lý trí. Chắc chắn, bạn có thể suy luận theo cách của mình để đưa ra câu trả lời "đúng" trong một cuộc thi sắc đẹp, nhưng bạn cũng chẳng bao giờ chắc thắng. Thông thường, chúng ta dành một chút thời gian để suy luận một cách hợp lý, nhưng sau đó lại từ bỏ và phỏng đoán dựa trên nhận thức thông thường.
Hoàng An
Nhịp sống kinh tế