Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 “phục hồi và phát triển bền vững” đang diễn ra, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong đã nêu những nhận định về kinh tế và phục hồi tại phiên Tọa đàm cấp cao.
Theo ông Phong, thiệt hại kinh tế do COVID- 19 gây ra phải tính toán trên quy mô GDP mất đi. Giả định năm 2020, 2021 không có COVID-19 thì GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 7%. Nhưng trong thực tế, năm 2020 chỉ tăng 2,91% và năm 2021 dự kiến cũng chỉ tăng 2,5%.
“Như vậy, năm 2020, giá trị thiệt hại khoảng 160 nghìn tỉ, năm 2021 dự kiến thiệt hại 346 nghìn tỉ. Cả hai năm, số thiệt hại về giá trị kinh tế khoảng 507 nghìn tỉ, đó là tính theo giá 2019. Nếu tính theo giá hiện hành, con số này lên tới 847 nghìn tỉ, tương đương 37 tỉ USD”, ông Phong thông tin.
Để giảm đi thiệt hại về mặt kinh tế, ông Phong nói phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp, cách thức làm sao nhanh chóng phục hồi đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vấn đề là tìm ra đâu là động lực tăng trưởng, đâu là động lực để khôi phục tăng trưởng kinh tế trong thời gian sắp tới.
Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Tọa đàm cấp cao, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: QH
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn. Những quốc gia đi sau tăng trưởng nhanh đều là do biết dựa vào thị trường rộng lớn bên ngoài và mở rộng quy mô sản xuất, thu ngoại tệ để nhâp khẩu các thiết bị cần thiết… Với định hướng như vậy, giới hạn tăng trưởng là khả năng cung ứng và cạnh tranh.
Theo ông Phong, các động lực tăng trưởng chính hiện nay là: Đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ, tiêu dùng nội địa là yếu tố tăng thêm và chuyển đổi số là yếu tố thời đại. Để có thể tận dụng được sức mạnh thời đại thì đầu tư phải chú trọng vào công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Khuyến khích tiêu dùng đầu tư nội địa là cần thiết nhưng nếu tăng đầu tư quá mức sẽ làm giảm tiết kiệm, qua đó làm giảm đầu tư hoặc phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.
Lấy dẫn chứng trường hợp Mexico, ông Phong nói nước này khai thác thị trường trong nước nên chú trọng vào việc sản xuất hàng tiêu dùng thay thế hàng tiêu dùng nhập khẩu hiện nay. Kinh nghiệm phát triển của Việt Nam cho thấy xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là yếu tố quan trọng để neo giữ kỳ vọng và niềm tin của nhà đầu tư trong nước.
“Đầu tư trong nước là quan trọng nhưng đầu tư của nhà nước vẫn giữ vai trò dẫn dắt. Đầu tư nhà nước sẽ đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng, đầu tư vào nhân lực, KHCN… tạo nền tảng để thúc đẩy đầu tư của nước ngoài cũng như đầu tư tư nhân phát triển”, ông Phong nói.
Trong điều kiện bình thường mới, vai trò của đầu tư nhà nước vẫn giữ tiên phong để thúc đẩy nhanh chóng nền kinh tế VN cả về cung và cầu. Bên cạnh việc giành thế chủ động bằng đầu tư công thì phải chú ý đến việc hạ thấp chi phí, lãi suất cũng như tái lập được hệ thống cung ứng.
Tiêu dùng nội địa gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu cũng gặp trở lại do chi phí logistic rất cao, hệ thống cung ứng lao động chưa được thiết lập, chi phí chữa bệnh cao… Để khơi thông hai động lực tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, ông Phong nói cần phải có các gói kích thích kinh tế để kích cầu tiêu dùng và giảm được chi phí sản xuất cho các DN.
Các gói kích thích, theo ông Phong, thông qua việc hỗ trợ chi phí phòng chữa bệnh cho các DN, chi phí thuê nhà ở, chi phí xây dựng nhà ở cho công nhân và người lao động, chi phí trợ cấp cho công nhân và gia đình họ có cuộc sống ổn định, chi phí về nghĩa vụ thuế…