Đó là các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk.
Bộ đội giúp dân vùng lũ Phú Yên sửa lại nhà cửa ĐỨC HUY |
Thiệt hại hơn 4.800 tỉ đồng do thiên tai
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết: Thiên tai năm 2021 không khốc liệt như năm 2020 nhưng mang nhiều yếu tố bất thường. Với sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và sự chủ động của người dân, nên đã giảm thiểu thiệt hại so với năm 2020.
Từ đầu năm đến đến nay, cả nước có 107 người chết, mất tích, 95 người bị thương do thiên tai; có 302 nhà sập đổ hoàn toàn, 8.925 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 194.528 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 137.852 ha lúa, rau màu và 13.789 ha cây trồng bị thiệt hại; 193,6 km đê, kè, kênh mương hư hỏng, sạt lở; 410 km đường giao thông sạt lở và trên 1,5 triệu m3 đất đá, bê tông bị cuốn trôi; ước tính tổng giá trị thiệt hại bước đầu hơn 4.800 tỉ đồng.
Riêng đợt mưa lũ ở miền Trung - Tây nguyên từ 27 đến 30.11 đã làm 19 người chết và mất tích; 26 nhà bị sập, đổ; 25 nhà bị thiệt hại; 1.657 ha lúa, 1.097 ha hoa màu bị thiệt hại, 2.648 con gia súc, 71.897 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 252 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 3 tàu cá và 2 xà lan bị chìm; 3.122 km kè, 76.900 m kênh mương thủy lợi bị hư hỏng, 12.200 m bờ sông, bờ suối bị sạt lở và 30 đập tạm bị sạt lở, hư hỏng…
Phải luôn đề cao cảnh giác
Tại cuộc họp, các địa phương đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói, giống để người dân sản xuất vụ đông xuân; bổ sung hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa, lắp đặt hệ thống cảnh báo thông minh, nâng cấp và xây dựng mới hồ chứa nước để cắt lũ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ với các địa phương bị thiệt hại về người trong đợt lũ lụt vừa qua và đánh giá cao sự chỉ đạo của lãnh đạo các tỉnh, các cấp và các lực lượng đã ngày đêm tham gia cứu nạn cứu hộ.
Theo Thủ tướng, do biến đổi khí hậu diễn ra rất khó kiểm soát, không theo quy luật, khó lường, diễn biến hết sức phức tạp, nên mưa lũ xảy ra cũng rất bất thường. Mặc dù đã có dự báo nhưng chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, chuẩn bị lực lượng 4 tại chỗ, luôn luôn tăng cường tinh thần cảnh giác cho người dân trong mưa lũ.
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các địa phương không để người dân đói, người dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất; không để xảy ra dịch, đặc biệt ở các vùng bị lũ lụt vừa qua. Đồng thời khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, huy động lực lượng quân đội, công an cùng vào cuộc để đưa mọi việc sớm trở lại bình thường.
Bộ đội, dân quân dọn bùn khôi phục lại giao thông ở Phú Yên ĐỨC HUY |
Xây dựng đề án phòng chống thiên tai lũ lụt
“Câu hỏi đặt ra là tại sao đợt này chết đuối nhiều? Trong xả lũ đã không thông báo hết, lũ lên đột ngột nên người dân chạy không kịp. Chỗ này, chúng ta mổ xẻ ra để rút kinh nghiệm”, Thủ tướng nói và lưu ý sự phối hợp trong dự báo, cảnh báo phải hết sức nhịp nhàng và khoa học. Trên cơ sở đó mới không bị động, không lúng túng và không bất ngờ.
Thủy điện xả lũ gây ngập lụt hạ du sông Ba ĐỨC HUY |
Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương: “Chúng ta phải có dự báo liên quan đến hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào cho phù hợp. Phải rà soát lại hồ, đập khi bình thường như thế này nhưng khi có sự cố thì ứng phó như thế nào? Các kịch bản xử lý ra sao? Có kịch bản chung cho tất cả các hồ đập, nhưng mỗi hồ phải có đặc thù riêng. Phải tăng cường năng lực phòng chống, ứng phó thiên tai của các địa phương để khi khi xảy ra sự cố, thì phải xử lý rất nhanh và phải phối hợp nhịp nhàng”.
Trong đợt lũ vừa qua, việc xả lũ đã bộc lộ những hạn chế trong quy trình vận hành liên hồ chứa nên Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm bổ sung, hoàn thiện các quy định về quy trình vận hành liên hồ chứa. Còn về lâu dài thì phải xây dựng đề án phòng chống thiên tai lũ lụt, sạt lở, sụt lún ở miền Trung - Tây nguyên. Từ đề án này, có những dự án cụ thể và huy động nguồn lực ở đâu cho phù hợp. Ngoài ra, trong quá trình hỗ trợ người dân xây nhà thì kết hợp với phòng chống bão lũ.