Sau khi UBND TP.HCM quyết định thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 13-12 đối với các lớp 1, 9, 12 trong hai tuần, các trường đã họp giáo viên, lên kế hoạch đón học sinh (HS) với mục tiêu an toàn là trên hết.
Tách lớp, chia ca
Bà Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, cho biết đa phần HS khối 12 đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Trường tăng cường rà soát, kiểm tra bộ tiêu chí, chú trọng phương án ứng phó khi xuất hiện HS có dấu hiệu hoặc dương tính với COVID-19 khi học trực tiếp. Cách thức xử lý và ứng phó phải bình tĩnh, đồng thời ổn định tâm lý của HS, giáo viên, phụ huynh khi xuất hiện F0 trong trường.
Đi học trực tiếp, nhà trường bố trí sơ đồ chỗ ngồi cho HS các lớp, đảm bảo việc giãn cách. Đồng thời khi đến trường, HS phải đo thân nhiệt tại cổng, phải tuân thủ quy tắc 5K.
Để đảm bảo an toàn, Trường THCS Cát Lái, TP Thủ Đức quyết định tách các lớp 9 làm đôi. Hai lớp được tách bố trí gần nhau để giáo viên dễ quản lý.
Tổ an toàn COVID-19 của trường đã có. Trường tập huấn đội hình này với nhiều nội dung như test COVID-19, ra vào theo sơ đồ một chiều và hình thành khu dành cho F0 nếu xuất hiện.
“Giáo viên chủ nhiệm sẽ họp với phụ huynh về kế hoạch đi học lại, đồng thời xin hỗ trợ về mẫu test gộp vào thứ Hai hằng tuần và tấm chắn lọc ở các bàn học. Mỗi phòng học chỉ 20 em cùng với tấm chắn lọc sẽ đảm bảo an toàn. Chúng tôi mong phụ huynh phối hợp để công tác phòng dịch của trường đạt hiệu quả” - bà Lê Thị Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ.
Ở nhiều trường trung học khác, ban giám hiệu cũng lựa chọn giải pháp chia ca, tách đôi lớp 9, lớp 12 khi dạy trực tiếp.
Ông Hoàng Minh Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng, quận Tân Bình, cho biết lớp 12 sẽ thực hiện tách lớp để đảm bảo mỗi em một bàn. Trong khi đó lớp 9, trường sẽ chia ca học lệch giờ.
Trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú dù mỗi lớp chỉ có 35 em nhưng vẫn quyết định tách làm hai. “Khi tách lớp, các trường công sẽ vất vả hơn vì giáo viên phải quản lý cùng lúc hai lớp. Trong khi đó, trường tôi có đội ngũ giáo viên quản nhiệm sẽ hỗ trợ giáo viên coi lớp và ra bài tập” - ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng nhà trường, nói thêm.
Trường THCS Minh Đức, quận 1 khẩn trương sửa chữa phòng học để chuẩn bị đón học sinh đi học lại. Ảnh: LN
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường dạy trên Internet nên Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá hiệu quả dạy học, tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho HS khi đi học lại. Kiểm tra cuối học kỳ 1 từ ngày 10 đến 22-1-2022. |
Nhiều trường chưa tổ chức bán trú
Vừa tổ chức đi học lại sau thời gian dài đóng cửa do tránh dịch nên nhiều trường còn e dè trong việc tổ chức bán trú.
Bà Thảo cho hay HS sẽ học trực tiếp vào buổi sáng, buổi chiều học online. Học từ thứ Hai đến thứ Sáu với 15 tiết.
“Nhà trường chưa dám tổ chức bán trú vào thời điểm này. Các đơn vị bếp ăn cũng chưa “mặn mà” vì số lượng HS đi học khá ít, hơn nữa trường phải căn cứ vào tình hình dịch để có sự điều chỉnh phù hợp nên mọi thứ chưa ổn định. Bên cạnh đó, căn tin của trường cũng chưa hoạt động trong hai tuần thí điểm” - bà Thảo nói thêm.
Tương tự, Trường THPT Võ Văn Kiệt, Trường THCS Hồ Văn Long, quận Bình Tân cũng quyết định không tổ chức bán trú trong hai tuần thí điểm để xem xét tình hình.
Trong khi đó, do đặc thù HS ở tỉnh khá nhiều nên các trường dân lập đều có kế hoạch tổ chức nội trú, bán trú một cách an toàn.
Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng sẽ tổ chức nội trú khi các em đi học lại. Nhà trường sẽ thực hiện giãn cách trong phòng, đảm bảo khoảng cách các giường 2 m trở lên. Bên cạnh đó, đối với nhà ăn, trường cũng thực hiện lệch ca, lệch giờ, mỗi bàn chỉ có hai em.
Ông Hoàng Minh Huy cũng cho hay nhà trường sẽ tổ chức nội trú, bán trú, cố gắng đáp ứng các yêu cầu của Sở Y tế. Với phòng nội trú, trước 30 em/phòng nay sẽ thực hiện tách làm đôi, mỗi phòng khoảng 15 em.
“Đa phần các em đều đang ở tỉnh. Trường sẽ triển khai họp phụ huynh để thông báo tình hình. Tránh tình trạng nhiều trường nhập học cùng lúc, phụ huynh khó khăn khi di chuyển, trường có thể học chậm so với lịch của TP khoảng 1-2 ngày. Từ đây đến khi HS đi học tập trung, có rất nhiều việc nhà trường phải giải quyết như phun khử khuẩn, dọn dẹp phòng ốc, chuẩn bị cơ sở vật chất, làm việc với giáo viên…” - ông Huy bổ sung.
Học sinh trung học học 12-30 tiết/tuần Các trường ở địa bàn dịch cấp độ 1 được thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục. Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần. Các trường ở địa bàn dịch cấp độ 2 được thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục. Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần dành để thực hiện chương trình chính khóa. HS các khối 6, 9, 12 trường học bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần. Các trường ở địa bàn dịch cấp độ 3, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần dành để thực hiện chương trình chính khóa. HS các khối 6, 9, 12 có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần. Không tổ chức các chương trình ngoài nhà trường, không dạy học hai buổi/ngày. Các trường ở địa bàn dịch cấp độ 4 dạy học trên môi trường Internet. Việc dạy học cần có quá trình giao nhiệm vụ học tập trước khi dạy học theo thời khóa biểu trực tuyến, trực tiếp. (Sở GD&ĐT TP.HCM) |