Thuốc kháng virus điều trị COVID-19 được sử dụng có kiểm soát, theo đơn và có chỉ định của nhân viên y tế nhưng hiện được rao bán tràn lan và công khai trên hội nhóm mạng xã hội Facebook.
Các loại thuốc mang nhãn mác Molnupiravir, Favipiravir, Favicovir… không rõ nguồn gốc được rao bán với lời quảng cáo thuốc chính hãng, uy tín, “dùng một hộp là khỏi”.
Bán thuốc online kiêm luôn chỉ định liều dùng
Những người rao làm luôn việc hướng dẫn sử dụng nhưng luôn né tránh nguồn gốc của loại thuốc đang bán, chỉ nói là hàng xách tay Ấn Độ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ…
Ngày 25-11, trong vai người cần mua thuốc Molnupiravir để điều trị COVID-19 cho F0 có triệu chứng nhẹ, PV tiếp cận một tài khoản Facebook tên QT. Người đàn ông tên Q chào bán loại Molnupiravir Capsules 200 mg MuLaz với giá 9,5 triệu đồng/hộp 40 viên.
Ông Q cho hay đây là loại thuốc của Ấn Độ được nhập qua “bạn hàng” kinh doanh thuốc. Do thuốc đang trong quá trình thử nghiệm nên chưa bán trên thị trường, người mua cũng không cần ký cam kết.
Theo ông Q, giá thuốc khá cao nên rất ngại bán vì khó tư vấn. Hơn nữa, do chưa được cấp phép nên ông khá “ém” trong quảng cáo bán thuốc. Tuy nhiên, khi PV đề nghị làm đầu mối bán hàng, ông Q đồng ý và khẳng định nếu có đầu ra thì làm tốt. “Tôi làm bên bán ôxy nên bạn hàng có hết. Không hiểu sao nhiều người cần Molnupiravir quá” - ông Q nói thêm.
Ông Q yêu cầu trao đổi qua Zalo và chỉ nhắn tin, không gọi điện thoại, không giao dịch trực tiếp tại cửa hàng. Để chắc chắn, ông Q yêu cầu chúng tôi nếu đồng ý mua thì đóng tiền cọc 200.000 đồng để được xuất hàng đi giao. “Hàng bên trong tôi cam kết là thuốc”- người này khẳng định.
Thuốc trị COVID-19 rao bán đủ mọi giá, có tài khoản rao bán đến 11 triệu đồng/hộp. Ảnh: N.YÊN
Trên một trang thương mại điện tử, tài khoản tên “sapphire_up” đăng tải sản phẩm thuốc Molnupiravir Capsules 200 mg Molcovir với giá 6,5 triệu đồng/hộp. Tuy nhiên, khi liên hệ thì người bán cho hay số thuốc trên đã hết, do cơ quan y tế chuyển sang sử dụng loại Favipiravir để điều trị cho F0.
Người bán tự xưng là PU, sau đó giới thiệu chúng tôi dùng thuốc Molnupiravir Capsules 200 mg MuLaz với giá 8,7 triệu đồng/hộp 40 viên. U cho biết thuốc này được nhập khẩu về Việt Nam qua công ty dược mà U đang làm việc. Ngoài ra, U còn giới thiệu thêm loại Favipiravir Tablets 400 mg giá 1,9 triệu đồng/10 viên và Favicovir 200 mg giá 3,7 triệu đồng/hộp.
Khi chúng tôi hỏi dùng loại nào phù hợp cho F0 triệu chứng nhẹ, U chỉ định: “Uống một hộp (Favicovir 200 mg - PV) 40 viên này là đủ”, đồng thời hướng dẫn luôn cách dùng của từng loại. Người này cho biết trước giờ đã bán rất nhiều thuốc Favipiravir, do loại Molnupiravir về Việt Nam rất ít nên không nhập được số lượng lớn.
Phát hiện nhiều vụ buôn bán thuốc COVID-19 giả Công an quận Bình Tân đã khởi tố, bắt tạm giam hai nhân viên y tế và nhân viên kho dược của Trung tâm Y tế quận Tân Phú và quận Bình Tân về tội buôn bán trái phép thuốc điều trị COVID-19. Những nhân viên này câu kết với nhau tuồn thuốc kháng virus ra ngoài để bán, thu lợi bất chính, bị khởi tố về tội sản xuất, mua bán tân dược giả. |
Thuốc trị COVID-19 hiện chỉ cấp cho cơ sở quản lý, điều trị FO
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 3-12, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết thuốc có dược chất Molnupiravir hiện chỉ được cấp cho các cơ sở quản lý, điều trị bệnh nhân COVID-19 và chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành trên thị trường. Việc loại thuốc này được buôn bán trên mạng như hiện nay có hai trường hợp xảy ra: Là thuốc giả, hoặc là thuốc bị tuồn ra ngoài sai quy định.
Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, TP phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Quan điểm của Bộ Y tế là sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm trong sản xuất, kinh doanh lưu hành thuốc có dược chất Molnupiravir nói riêng và thuốc điều trị COVID-19 nói chung. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự sẽ lập hồ sơ, chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời theo quy định.
Một tài khoản rao bán thuốc kèm hướng dẫn sử dụng. Ảnh: N.YÊN
Liên quan đến việc này, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn gửi đến trung tâm y tế, phòng y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức; cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn TP về việc chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị COVID-19.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc kinh doanh trái phép các thuốc kháng virus COVID-19 chưa được cấp giấy phép lưu hành có thể dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe như bệnh trở nặng hoặc biến chứng do dùng thuốc giả, dùng thuốc không đúng chỉ định, dùng thuốc cho các đối tượng chống chỉ định hoặc không theo dõi tác dụng phụ...
Ngoài việc yêu cầu quản lý chặt việc cấp phát các loại thuốc tại cơ sở y tế, Sở Y tế chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức tổ chức kiểm tra việc kinh doanh của các cơ sở bán lẻ thuốc và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Ba loại thuốc kháng virus COVID-19 ở Việt Nam Thuốc Molnupiravir được Bộ Y tế cung cấp trong chương trình thí điểm điều trị người F0 có kiểm soát và đang áp dụng tại 34 tỉnh, thành. Ngành y tế khuyến cáo thuốc phải được dùng đúng mục đích, không sử dụng hết phải hoàn trả, tuyệt đối không chia sẻ cho người khác, kể cả người thân. Trường hợp người bệnh không có triệu chứng thì không sử dụng. Thuốc Favipiravir 200 mg dùng cho bệnh nhân không có triệu chứng, có triệu chứng nhẹ, trung bình. Loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn và giảm gánh nặng điều trị bằng cách rút ngắn thời gian nằm viện. Thuốc Remdesivir chỉ định đối với bệnh nhân nội trú khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở ôxy, thở ôxy lưu lượng dòng cao (HFNC) hoặc thở máy không xâm nhập và được khuyến cáo phối hợp với thuốc Corticoid (ưu tiên Dexamethason). |