TP HCM đang chuẩn bị hơn 300 ha đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ trợ ứng dụng công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế TP.
Hiện đại hóa sản xuất là xu hướng bắt buộc
Phấn khởi vì nhận thêm một số đề nghị hợp tác của các tập đoàn sản xuất nước ngoài về tiềm năng cung ứng các sản phẩm cơ khí chính xác trong năm 2022, Công ty Cơ khí Duy Khanh đang tập trung toàn lực cho dự án Nhà máy Cơ khí chính xác tại Khu Công nghệ cao TP HCM.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết nhiều tập đoàn sản xuất lớn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng quy mô, tăng cường nội địa hóa để giảm chi phí và hạn chế rủi ro, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều kiện để nắm bắt cơ hội này là DN phải hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới sản xuất công nghệ cao.
Cũng cho rằng DN Việt cần hiện đại hóa sản xuất vì đó là yêu cầu bắt buộc để tồn tại và phát triển, Hiệp hội DN TP HCM (Huba) nêu thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung chưa phát triển đúng mức. Các DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao. Đa số DN khá lúng túng trong việc chọn công nghệ, nhà cung ứng. Về mặt bằng sản xuất, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao của TP HCM cơ bản đã được lấp đầy, các khu mới thì chưa triển khai. Trong địa bàn dân cư thì không thể phát triển thêm các cơ sở sản xuất mới, nhất là các nhà máy sản xuất thuộc những ngành trọng yếu của TP HCM.
Trước thực trạng này, Huba kiến nghị nhà nước tạo điều kiện thuận lợi kiến tạo thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu sử dụng sản phẩm của DN nhằm giúp ngành công nghiệp hỗ trợ có nền tảng phát triển. Ngoài ra, cần thông tin, truyền thông rộng rãi, khuyến khích đầu tư...; có cơ chế thẩm định, phê duyệt dự án đơn giản, tạo tâm lý cho DN quyết tâm hơn trong đầu tư, hỗ trợ một phần lãi vay, thời gian hỗ trợ dài hơn.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP HCM giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
Mới đây, trao đổi với các DN tại Hội nghị Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng đã mất quá nhiều thời gian để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa tại các DN sản xuất nước ngoài. Ông khẳng định chính quyền TP HCM sẽ làm hết sức để đưa ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
"Tư duy phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có từ 10 năm nay. Các nghị quyết, văn kiện, kế hoạch chỉ đạo của UBND TP HCM cũng đã thể hiện rất rõ ràng" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh. Theo ông, TP HCM mong các DN từng bước chuyển đổi quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh việc thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hơn.
TP HCM sẽ có chính sách giúp các DN ưu tiên thay đổi công nghệ để trở thành DN dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ và sản xuất ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu thêm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, hải quan, thủ tục, kích cầu... để có thể hỗ trợ DN các khoản vay lớn nhằm đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ thiết kế, sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao, từ đó phát triển kinh tế TP.
"TP HCM đang chuẩn bị hơn 300 ha đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ trợ ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, hình thành những DN thiết kế, sản xuất để cung cấp sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cho công nghiệp hỗ trợ" - ông Võ Văn Hoan nêu rõ.
Thông tin về việc thành lập Khu Công nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao lập tức được nhiều DN trong nước lẫn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đặc biệt quan tâm. Theo các DN, nếu hình thành được khu công nghiệp như vậy và tập hợp được các DN công nghệ cao vào đó thì sẽ tạo nên cộng đồng DN công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở phát triển ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh. Tuy nhiên, cần có sự xem xét, điều chỉnh quy định về DN ứng dụng công nghệ cao để tạo điều kiện cho DN Việt Nam đầu tư vào khu công nghiệp này. Nếu tiêu chuẩn quá khắt khe thì khả năng cao là DN trong nước không đủ năng lực đáp ứng.
Cần bổ sung ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đại diện Huba kiến nghị về cơ chế chính sách kêu gọi vào khu công nghiệp, cần bổ sung đối tượng sản xuất sản phẩm thường nhưng sử dụng vật liệu, thiết bị, giải pháp công nghệ cao; cho phép họ được thụ hưởng các chính sách ưu đãi. Theo Huba, các DN nhỏ và vừa hầu như chưa đủ lực để phát triển công nghệ cao mà chỉ có thể ứng dụng từng phần bằng cách mua thiết bị công nghệ cao, áp dụng giải pháp công nghệ cao để sản xuất sản phẩm bình thường nên sản phẩm của họ cũng không thuộc danh mục được hưởng ưu đãi.
"Nên bổ sung ưu đãi cho DN ứng dụng toàn phần hoặc từng phần công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm thông thường. Bên cạnh đó, TP HCM cần phân công một cơ quan nghiên cứu, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy và có trách nhiệm về công nghệ cao cho DN lựa chọn và ứng dụng. TP HCM cũng cần trợ giá một phần tiền thuê đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho DN để phát triển ứng dụng công nghệ cao" - đại diện Huba đề xuất.
Xem thêm: mth.51872600250211202-ort-oh-peihgn-gnoc-hnagn-nol-ioun-mat-teyuq-mch-pt/et-hnik/nv.moc.dln