Diễn biến phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới đã được công bố trong báo cáo của Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội và nhóm nghiên cứu, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 5/12.
Có thể thấy so với nhiều khu vực có mô hình phục hồi chữ V, Việt Nam được thể hiện bằng đường màu đỏ lại có mô hình phục hồi giống hình chữ U. Do đó, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ và kịp thời, Việt Nam có thể lỡ nhịp tăng trưởng.
Ngược lại, theo nhóm nghiên cứu, gói hỗ trợ có thể giúp GDP tăng thêm 1,5 - 2 điểm% so với trường hợp không áp dụng. Nếu được hỗ trợ, dự báo GDP sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2022, và 7,5% trong năm 2023.
Trong khi đó, tổng quy mô các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ của Việt Nam tới thời điểm này mới đạt chưa đến 4%, thuộc mức thấp nhất thế giới, tương đương với khu vực các nước có thu nhập thấp.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: TTXVN.
Về chính sách tài khóa, theo nhóm nghiên cứu, gói hỗ trợ có thể bao gồm hàng loạt chính sách từ giảm VAT, giảm phí BHXH, giảm thuế bảo vệ môi trường, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất, nâng cao năng lực y tế, đầu tư cho cơ sở vật chất…
Ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho hay: "Giãn, hoãn, giảm thuế thì giảm là quan trọng. Hiện nay giãn, hoãn với doanh nghiệp quá yếu đang câm cự thì giãn chưa đủ, phải giảm nhiều, giảm cả phí".
Về chính sách tiền tệ, dư địa có hẹp hơn so với tài khóa, nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng vẫn có thể phấn đấu giảm thêm 0,5 - 1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022. Nếu cộng gộp lại, tổng quy mô gói hỗ trợ dự kiến là 445.760 tỷ đồng, tương đương 5,12% GDP, hướng tới các đối tượng có khả năng phục hồi, đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm.
Chấp nhận bội chi 1% mỗi năm và kéo dài trong 2 năm tới - đây là gói hỗ trợ quy mô chưa từng có, hướng tới cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đòi hỏi giải pháp chính sách hỗ trợ đưa ra cần gắn sát với thực tiễn, hơi thở cuộc sống, hỗ trợ kịp thời, nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố bền vững trong dài hạn.
"Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nhưng những giải pháp ngắn hạn và trung hạn phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Cũng trong chương trình hỗ trợ, dự kiến dự án 1 luật sửa 8 luật, nếu được Quốc hội thông qua cũng sẽ là yếu tố thể chế, cải thiện đáng kể điều kiện và môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian tới.
Nâng cao hiệu quả thực thi gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế
Tuy nhiên, liên quan tới quá trình triển khai gói hỗ trợ trong thực tiễn, nhiều chuyên gia tại hội thảo cũng bày tỏ sự quan tâm, từ đó hiến kế để nâng cao hiệu quả trong khâu thực thi.
Ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho hay: "Cho dù Việt Nam có dư địa tài khóa nhưng liệu Việt Nam có đủ dư địa thời gian để thực hiện biện pháp ngắn hạn không đó là câu hỏi đặt ra. Bởi bóng đen dịch bệnh bao phủ toàn cầu và việc thu hẹp dần chính sách tiền tệ, tài khóa của các nước trong 2022 sẽ thu hẹp dần dư địa thời gian của Việt Nam".
"Tôi cho rằng rất cần thiết giai đoạn này cần đặt hàng tư nhân giải ngân vốn đầu tư công. Không nên câu nệ tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp, mà chuyển sang ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp", ông Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội bày tỏ.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam nói: "Mô hình giám sát chính sách từ xa, từ sớm là mô hình tiên tiến nhất hiện nay về giám sát thực thi chính sách theo phương châm khoa học, toàn diện và xuyên suốt. Cách làm này này phù hợp với chính sách kích cầu kinh tế bởi cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp những vướng mắc và các vấn đề phát sinh trong thực tiễn".
Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh, cần thiết phải sớm đưa ra và thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Điều này cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, góp phần tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức và cộng đồng quốc tế.
VTV.vn - Việt Nam đang có dấu hiệu lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và sản xuất sau những ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!