Đoàn công tác Bộ Quốc phòng hạ quyết tâm cùng lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ chống dịch COVID-19 - Ảnh: T.LŨY
Thượng tá, bác sĩ Đinh Xuân Nam - trưởng đoàn công tác - cho biết đoàn công tác Bộ Quốc phòng đến hỗ trợ TP Cần Thơ đợt này có 39 người là những bác sĩ, điều dưỡng quân y. Đoàn chia thành 13 tổ công tác, theo phân công của UBND TP, đoàn hỗ trợ và tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện Lao và bệnh phổi và Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt.
"Chúng tôi đi đợt này xác định sẽ hỗ trợ hết mình cho địa phương, xác định tư thế người chiến sĩ quân y sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ, đến khi nào tình hình dịch COVID-19 tại TP ổn định", bác sĩ Nam nói.
Theo bác sĩ Trần Quốc Luận - giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, mỗi ngày bệnh viện nhận vào trên 30 bệnh nhân, hiện tại có 410 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 80% thuộc tầng 3 và 20% còn lại là bệnh tầng 2, tức những bệnh nhân có nguy cơ như chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ, bệnh nền, tuổi trên 50…
Những cái bắt tay thể hiện tình đoàn kết, hỗ trợ chiến thắng dịch bệnh giữa các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cùng đoàn công tác Bộ Quốc phòng - Ảnh: T.LŨY
“Quy mô giường bệnh hiện nay với lượng bệnh của TP trên 1.000 ca/ngày, lượng bệnh nhân nặng sắp tới dự báo sẽ vẫn tăng. TP đã có phương án chuẩn bị sẵn sàng giường bệnh nặng, tại tất cả các bệnh viện công lập và tư nhân đều tham gia, sẵn sàng giường điều trị cho bệnh nặng tầng 3.
Đối với các bệnh viện được giao trọng trách điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng như Bệnh viện Đa khoa trung ương và Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đều đã chuẩn bị tăng số giường, máy móc và êkip điều trị. Trong đó Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ hiện đã được tăng cường 100 giường, cùng máy móc và thiết bị từ TP.HCM hỗ trợ”, bác sĩ Luận nói.
Với số lượng bệnh nhân mỗi ngày trên 1.000 ca mắc mới, hiện hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà của TP Cần Thơ đang quản lý trên 13.200 F0 điều trị tại nhà. Để quản lý hiệu quả, tư vấn kịp thời cho bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe, TP Cần Thơ đã kết nối với Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.
Hiện tại TP Cần Thơ, mạng lưới này đã có trên 800 tình nguyện viên đăng ký tham gia tư vấn từ xa cho bệnh nhân điều trị tại nhà. Mạng lưới đã có tổng đài hỗ trợ và có phân công cụ thể các tình nguyện viên phụ trách từng quận, huyện.
Tại An Giang, ông Trần Quang Hiền - giám đốc Sở Y tế tỉnh - cho biết đã đón đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đến hỗ trợ chống dịch COVID-19. Đoàn do PGS.TS Đào Xuân Cơ - phó giám đốc phụ trách bệnh viện - làm trưởng đoàn cùng với 12 y, bác sĩ.
Đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai đến khảo sát tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, An GIang - Ảnh: H.C.
Theo ông Hiền, đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế phân công trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 tại An Giang. Đến thời điểm hiện tại, An Giang có 4 đơn vị chi viện dập dịch gồm: Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, Bệnh viện dã chiến số 6, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Sóc Trăng, bác sĩ Trần Văn Dũng - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh - cho biết tỉnh đã tiếp nhận đoàn gồm 39 y, bác sĩ của quân đội đến hỗ trợ tỉnh trong phòng, chống dịch. "Số bác sĩ chi viện đã được phân công hỗ trợ các huyện, thị xã. Trong tuần này, Sóc Trăng sẽ tiếp tục đón thêm nhiều bác sĩ, điều dưỡng. Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh lúc này cực kỳ ý nghĩa", bác sĩ Dũng nói.
Trước đó, do số ca nhiễm tăng, dẫn đến quá tải cho các cơ sở điều trị nên Sóc Trăng đã thực hiện mô hình cho F0 điều trị tại nhà. Để có đủ nhân lực phục vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Sóc Trăng đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 50 bác sĩ và 170 điều dưỡng. Dịch bệnh tại Sóc Trăng tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca mắc những ngày gần đây đều xấp xỉ 800 ca/ngày.
TTO - Số ca mắc mới tăng khiến các cơ sở điều trị quá tải nên nhiều tỉnh miền Tây triển khai mô hình trạm y tế lưu động, cho F0 điều trị tại nhà, dẫn đến thiếu bác sĩ, điều dưỡng.
Xem thêm: mth.89291512160211202-91-divoc-hcid-gnohc-neiv-ihc-is-cab-y-naod-cac-nahn-peit-yat-neim/nv.ertiout