Phan Sào Nam tại tòa sơ thẩm vụ đánh bạc nghìn tỉ đồng - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày 6-12, thông tin từ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trung ương cho biết Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Thọ đã quyết định thi hành kỷ luật đối với 4 cán bộ công an tỉnh này do liên quan đến vụ án Phan Sào Nam - cựu giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến.
Theo đó, Tỉnh ủy Phú Thọ quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đại tá Đào Văn Lý (trưởng phòng, phó thủ trưởng thường trực Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh) và thượng tá Hoàng Phương Nam (trưởng Công an huyện Hạ Hòa, cựu phó trưởng phòng, cựu phó thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh).
Ngoài ra, UBKT Tỉnh ủy Phú Thọ quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với đại tá Nguyễn Văn Trường (cựu giám thị trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ) và thượng tá Thạch Văn Thắng (cựu phó giám thị trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ).
Cơ quan chức năng xác định ông Đào Văn Lý là người trực tiếp chỉ đạo ông Hoàng Phương Nam tiến hành xác minh, soạn thảo 2 giấy xác nhận lập công cho phạm nhân Phan Sào Nam sai sự thật; trực tiếp ký 2 giấy xác nhận để xác nhận việc lập công cho phạm nhân Phan Sào Nam sai sự thật, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Công an.
Ông Lý còn trực tiếp giao giấy xác nhận cho bị cáo Phan Anh Tuấn vi phạm Luật bảo vệ bí mật nhà nước và quy chế làm việc của Phòng An ninh điều tra.
Trong khi đó, thượng tá Hoàng Phương Nam bị xác định thiếu trách nhiệm, nhận sự chỉ đạo của ông Đào Văn Lý tiến hành xác minh việc lập công của phạm nhân Phan Sào Nam sai sự thật; trực tiếp soạn thảo hai giấy xác nhận để trình ông Lý ký xác nhận việc lập công cho phạm nhân Phan Sào Nam sai sự thật.
Ông Hoàng Phương Nam cũng trực tiếp giao giấy xác nhận cho bị cáo Lê Văn Kiên vi phạm Luật bảo vệ bí mật nhà nước và quy chế làm việc của Phòng An ninh điều tra.
Đối với đại tá Nguyễn Văn Trường, ông này trực tiếp ký quyết định cho 2 bị cáo thăm gặp, chỉ đạo cán bộ ký, ghi nhận xét, xếp loại tốt và trực tiếp hướng dẫn phạm nhân Phan Sào Nam viết đơn trình bày có nội dung không đúng thực tế.
Còn ông Thạch Văn Thắng là người trực tiếp ký nhận xét đối với phạm nhân Phan Sào Nam không đúng thực tế, sai sự thật, vi phạm quy định của Bộ Công an, vi phạm về những điều đảng viên không được làm.
Theo cơ quan chức năng, vi phạm của 4 cán bộ công an nêu trên là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng tới công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, ngành công an.
Trước đó, tháng 12-2018, Phan Sào Nam bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ tuyên phạt 5 năm tù về hai tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Tháng 3-2019, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án cấp sơ thẩm đã tuyên.
Sau khi bản án có hiệu lực, ông Nam thi hành án tại trại giam Quảng Ninh. Tháng 4-2020, TAND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị của trại giam Quảng Ninh, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho phạm nhân này.
Đến tháng 2-2021, TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chấp nhận đề nghị của trại giam Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại (3 tháng 7 ngày) cho ông Nam. Ngày 6-2-2021, ông Nam ra trại.
Phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong quá trình thi hành án, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND cùng cấp hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với phạm nhân Phan Sào Nam.
TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với ông Nam, buộc người này phải chấp hành bản án trở lại.
Mới đây, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa thống nhất đưa vụ việc xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực trong việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù với Phan Sào Nam vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Liên quan việc giảm chấp hành hình phạt tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam có đến 9 tập thể và 29 cá nhân bị xác định sai phạm, tiêu cực bị xử lý và yêu cầu xử lý trách nhiệm.
TTO - Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực thi hành ngay và ông Phan Sào Nam phải trở lại trại giam để chấp hành bản án còn dang dở. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là việc yêu cầu thi hành bản án với người đã ra tù sẽ được thực hiện như thế nào?