Sáng nay (7-12), kỳ họp thứ tư HĐND TP.HCM khóa X sẽ khai mạc. Tại kỳ họp này, UBND TP.HCM sẽ có báo cáo về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, các đại biểu sẽ thảo luận về vấn đề này.
Tăng trưởng âm nhưng vẫn có nhiều điểm sáng
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tác động của đại dịch làm GRDP quý III-2021 giảm 24,39% so với cùng kỳ. Từ đó làm cho các chỉ tiêu kinh tế của TP.HCM trong năm 2021 không đạt chỉ tiêu tăng 6% mà TP đề ra. “Lần đầu tiên trong lịch sử từ giai đoạn đổi mới, TP.HCM tăng trưởng âm 6,78%” - ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nói như thế tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI hôm 1-12.
Tuy vậy, một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cụ thể như kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu ước tính tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm nay, TP.HCM cũng giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người, thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 5,8-6 tỉ USD (tăng hơn 11%), lượng kiều hối về TP ước tính đạt 6,6 tỉ USD (tăng 9%).
TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch, các hoạt động trở lại với nhịp độ sôi động, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội có dấu hiệu phục hồi. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đạt hơn 362.000 tỉ đồng (đạt 99,22% dự toán năm). Trong tháng cuối năm, TP sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt 100% dự toán năm 2021.
Trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, TP.HCM đã huy động cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ trong và ngoài nước để đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người dân. An ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, dập ngay từ cơ sở những dấu hiệu có thể gây mất ổn định an ninh trật tự, phát sinh thành “điểm nóng”.
Hiện TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch, các hoạt động kinh tế - xã hội bắt đầu trở lại với nhịp độ sôi động, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội có dấu hiệu phục hồi.
Chủ tịch Phan Văn Mãi sẽ trả lời chất vấn Theo chương trình kỳ họp thứ tư HĐND TP.HCM khóa X, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sẽ có phiên trả lời chất vấn vào chiều 8-12 và được truyền hình trực tiếp. Đây là lần tham gia trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Phan Văn Mãi sau hơn ba tháng kể từ khi nhậm chức. |
Bảy nhóm giải pháp phát triển năm 2022
Trong năm 2022, TP.HCM đề ra 20 chỉ tiêu, trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6%-6,5%, duy trì tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.
UBND TP.HCM đưa ra bảy giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế trên cơ sở “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19”. Cụ thể, TP.HCM sẽ tập trung khắc phục việc gián đoạn trong chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công…
TP.HCM tiếp tục củng cố hệ thống y tế, rà soát và bổ sung cơ chế chính sách đặc thù để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, y tế cộng đồng, hệ thống điều trị nhằm đảm bảo thông suốt với quá trình khôi phục kinh tế và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Về xã hội, TP.HCM sẽ tập trung chăm lo an sinh xã hội cho người dân, nhất là nhóm lao động yếu thế; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động và giải quyết các vấn đề lao động, việc làm, nhà ở cho người dân. Trong năm 2022, TP đặt ra mục tiêu tạo việc làm mới cho 140.000 người lao động, tỉ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.
TP.HCM cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế...
Tại kỳ họp, các đại biểu sẽ thảo luận về nhiều nội dung quan trọng nhưng báo cáo kết quả thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; dự toán phân bổ ngân sách năm 2022.
Kỳ họp sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, bế mạc vào ngày 9-12.
Cử tri TP.HCM quan tâm phòng chống dịch, an sinh xã hội Tại kỳ họp, UBND TP.HCM sẽ báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ nhất đến trước kỳ họp thứ ba HĐND TP khóa X. Theo đó, có 65 lượt kiến nghị gửi đến UBND TP.HCM, sở, ngành và đã giải quyết xong 43/65 kiến nghị; tiếp thu và gửi lên cơ quan trung ương xem xét 7/65 kiến nghị; còn lại đang triển khai thực hiện. Các kiến nghị của cử tri tập trung công tác phòng chống dịch COVID-19, chính sách an sinh xã hội, hệ thống y tế cơ sở và đội ngũ cán bộ tại cơ sở. Cử tri đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, việc phục hồi và phát triển kinh tế của TP trong thời gian tới. Cử tri cũng quan tâm các vấn đề cụ thể về điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà; tiêm ngừa vaccine cho trẻ em; các vấn đề an ninh trật tự sau giai đoạn giãn cách; hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị… Theo UBND TP.HCM, các kiến nghị tâm huyết của cử tri về công tác phòng chống dịch, tình hình phát triển kinh tế - xã hội sẽ được tiếp thu, ghi nhận và giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Việc trung ương chấp thuận nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM năm 2022 lên 21% (tăng thêm 3%, tương ứng gần 6.000 tỉ đồng) là nguồn lực quan trọng giúp TP tháo gỡ, khắc phục khó khăn, sớm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau quá trình phòng chống dịch vừa qua. Trước kỳ họp, các đại biểu đã có các buổi tiếp xúc và cử tri bày tỏ sự lo lắng số ca nhiễm, tử vong do COVID-19 vẫn cao, người dân xuất hiện tâm lý chủ quan vì đã tiêm hai mũi vaccine. Cử tri cũng đề nghị bằng mọi giá phải củng cố y tế cơ sở, bởi hiện mỗi trạm y tế chỉ có 2-3 người, khó lo cho hàng trăm F0. Nhiều bà con chưa tiếp cận thuốc điều trị COVID-19. Cử tri cũng đề nghị cần có giải pháp đảm bảo nguồn hàng hóa đủ cho người dân phục vụ tết, tránh tăng giá, lạm phát; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau tết. Cử tri cũng đề nghị đẩy nhanh việc “tự lực tự cường” về vaccine, thuốc điều trị COVID-19; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phòng chống dịch, nhà ở cho công nhân, đảm bảo an ninh trật tự... |