Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Thủ tướng văn bản hoàn thiện nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.
Theo đó, bộ này đề xuất từ ngày 1-1-2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng cho những người đang hưởng chính sách này.
Từ tháng 1-2022, người nghỉ hưu được đề xuất tăng mức lương hưu lên 7,4%. Ảnh: VIẾT LONG
Tính toán hợp lý lại khi tăng lương hưu, trợ cấp
Bà Nguyễn Thị Ngọc, quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết trước đây bà có thời gian dài làm công tác hậu cần tại một cơ quan nhà nước. Sau hơn 30 năm làm việc, bà quyết định nghỉ hưu trước tuổi vì theo gia đình chuyển nhà từ Bắc vào Nam sinh sống. Đến năm 2010, bà nhận được quyết định nghỉ hưu và được cơ quan BHXH chi trả lương hưu với mức lương là hơn 2 triệu đồng/tháng.
Từ lúc nhận lương hưu đến nay, mức lương hưu của bà Ngọc được nhiều lần điều chỉnh. Hiện nay, hằng tháng bà nhận 3,2 triệu đồng tiền lương hưu.
“Nếu như 10 năm về trước với số tiền 3 triệu đồng/tháng, tôi có thể tự lo cho bản thân và còn để dành chút ít mua bánh kẹo cho mấy đứa cháu. Thế nhưng hiện nay, cũng với số tiền này tôi phải chi tiêu rất tiết kiệm. Hằng tháng phải chi nào là tiền điện, nước, tiền ăn, có khi đi đám hiếu, hỷ…” - bà Ngọc nói.
Cũng theo bà Ngọc, biết rằng nếu người lao động đóng BHXH ít thì sẽ nhận lương hưu ít. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần phải tính toán hợp lý khi tăng mức lương hưu, trợ cấp, bởi vật giá ngày càng tăng cao mà lương hưu tăng ít thì người về hưu cũng vất vả.
Tương tự, ông Lê Minh Đại, huyện Củ Chi, cho biết ông có hơn 20 năm làm việc trong ngành đường sắt. Sau bao nhiêu năm cống hiến, lúc về hưu tài sản duy nhất của ông là căn nhà đang ở. Vợ ông thì trước đây ở nhà làm nội trợ. Giờ hai vợ chồng sống chủ yếu dựa vào lương hưu hơn 3 triệu đồng của ông.
“Với mức lương hưu này, cũng có tháng thiếu trước hụt sau. Nên tiền lương hưu tăng lên được bao nhiêu thì tôi mừng bấy nhiêu. Nhà nước cũng gặp khó khăn do đợt dịch COVID-19 vừa qua nhưng có tăng lương hưu cho những người như tôi là tốt lắm rồi” - ông Đại nói.
Mức tăng chung sẽ thấp hơn đề xuất trước
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng trở xuống sẽ tăng thêm 200.000 đồng/tháng; đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995 thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với họ, tạo sự tin tưởng vào chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với quá trình công tác, cống hiến trước đây của người lao động.
Như vậy, đề xuất mới của Bộ LĐ-TB&XH có sự thay đổi so với lần trình Chính phủ vào tháng 7, là tăng 15% mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Vào thời điểm đó, bộ cho rằng mức tăng trên nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá. Mục đích để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng, do tác động bởi yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của ba năm từ 2019 đến 2021.
Nhưng với tình hình dịch COVID-19 vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội và tạm dừng cải cách tiền lương. Tuy nhiên, lương hưu vẫn cho phép điều chỉnh, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và lương hưu thấp nhưng mức tăng chung sẽ thấp hơn đề xuất trước đó của bộ.
Liên quan đến đề xuất trên, trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài chính bày tỏ đồng tình với mức điều chỉnh lương hưu thêm 7,4%. Theo phương án của Bộ LĐ-TB&XH, kinh phí cho mức điều chỉnh sẽ tăng 12.650 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước tăng thêm 3.075 tỉ đồng, tiền từ quỹ BHXH tăng thêm 9.575 tỉ đồng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện Chính phủ vẫn đang xem xét để chuẩn bị ban hành nghị định điều chỉnh tăng lương hưu.•
8 nhóm đối tượng được đề xuất tăng lương hưu - Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng. - Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009, Nghị định 121/2003 và Nghị định 09/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng. - Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000, Quyết định 613/2020 của Thủ tướng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng. - Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 111/1981 của Hội đồng bộ trưởng. - Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008, Quyết định 38/2010 của Thủ tướng. - Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010 của Thủ tướng. - Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011 của Thủ tướng. - Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng. |