Qua rà soát, kiểm tra, trên địa bàn Cần Thơ hiện tồn tại gần 150 khu dân cư (KDC) tự phát và hiện nay cả ngàn hộ dân sống ở các KDC này đang sống trong “phập phồng” theo kiểu nay ở, mai chưa biết số phận nhà, đất của mình sẽ ra sao. Hiện ngành chức năng của Cần Thơ đang khẩn trương rà soát và xem xét pháp lý từng khu để có tham mưu xử lý.
Cả ngàn hộ dân ở các khu dân cư tự phát
Năm 2017, qua phản ánh, chính quyền TP Cần Thơ đã ghi nhận nhiều KDC tự phát, sai quy định. Cuối năm 2017, Thanh tra TP Cần Thơ đã có kết luận về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình, nhà ở phạm vi đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến tỉnh lộ 918 và khu đô thị mới Võ Văn Kiệt (quận Bình Thủy). Kết luận cho thấy cơ quan chức năng của quận đã buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu “ưu ái” để một số cá nhân dễ dàng chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô, bán nền.
Mua đất được sang tên nhưng không được chuyển đổi mục đích sử dụng nên nhiều người không thể hoàn thiện nơi ở. Ảnh: CHÂU ANH
Đến tháng 5-2018, UBND quận Bình Thủy quyết định tạm ngưng giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất tại các KDC tự phát khi chưa xác định sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. UBND quận cũng yêu cầu các phòng, ban liên quan tạm đình chỉ hoạt động xây dựng tại các KDC trái phép này dù có giấy phép hay không để tránh hình thành các KDC tự phát mới.
Cuối năm 2019, qua rà soát, kiểm tra trên địa bàn ba quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng, cơ quan chức năng TP ghi nhận gần 150 KDC trái phép, với gần 95 ha đất, trong đó có hơn 50 ha là đất thuộc khu quy hoạch.
Trong đợt tiếp xúc cử tri gần đây, một số người dân ở quận Bình Thủy phản ánh do UBND quận đang tạm ngưng giải quyết thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và cấp phép xây dựng đối với các KDC tự phát trên địa bàn, đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Từ thực tế đó, cử tri kiến nghị lãnh đạo TP cần có biện pháp phù hợp để tháo gỡ.
Trả lời vấn đề này, UBND TP cho biết đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng UBND ba quận trên tập trung kiểm tra, rà soát lại quy mô, quá trình hình thành của từng KDC tự phát. Đồng thời, đối chiếu với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng để tham mưu đề xuất hướng xử lý trong năm 2021. Tuy nhiên, do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp nên các cơ quan chưa thể tiến hành kiểm tra thực tế từng khu.
Không bỏ rơi quyền lợi của dân
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết thời gian qua theo chỉ đạo của Thường trực UBND TP, sở tích cực phối hợp với các quận, huyện có liên quan để thực hiện việc thống kê, phân loại, rà soát cẩn trọng để có hướng tham mưu với TP.
Theo ông Thảo, tình trạng này không thể giải quyết trong một sớm một chiều bởi liên quan rất lớn đến đời sống của người dân trong các KDC tự phát. Sở thành lập tổ và làm việc trực tiếp với các địa phương, khảo sát thực địa để ghi nhận, thu thập các thông tin cần thiết, từ đó tiến hành lập hồ sơ pháp lý từng KDC tự phát. Theo ông Thảo, công việc này được tiến hành khẩn trương nhưng do dịch COVID-19 bùng phát, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các địa phương tập trung công tác phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu nên tiến độ phải chậm lại.
Ông Thảo cho biết sở đang chỉ đạo gấp rút tiến hành hoàn tất việc lập hồ sơ các dự án, sau đó căn cứ vào các dữ liệu về đất đai, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2025 cùng các quy hoạch có liên quan để tổng hợp, đánh giá và phân loại những khu nào phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khu nào không phù hợp để có đề xuất cụ thể. Quan điểm là soát xét, đánh giá và tham mưu hướng xử lý phù hợp các quy định pháp luật nhưng sẽ cố gắng để đảm bảo quyền lợi của người dân đang sinh sống ở các KDC tự phát.
Còn ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, người được phân công trực tiếp công tác rà soát, phân loại và xem xét pháp lý các KDC tự phát, cho biết quá trình rà soát, phân loại, sở sẽ tham mưu, kiến nghị TP hướng xử lý từng KDC tự phát theo đúng quy định pháp luật, làm sao hài hòa lợi ích.
Cạnh đó, sở sẽ kiến nghị TP đẩy nhanh việc phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp và các chính sách để thu hút nhà đầu tư, qua đó tạo nguồn quỹ nhà, đất cho người dân có thu nhập thấp lựa chọn nơi an cư phù hợp với thu nhập, qua đó hạn chế việc hình thành các KDC tự phát.•
Liên quan đến việc buông lỏng quản lý để hình thành các KDC trái phép trên địa bàn, đến nay có hàng chục cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của quận Bình Thủy bị kỷ luật. Trong đó, có một phó chủ tịch UBND quận và sáu người khác bị truy tố tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. “Lãnh trái đắng” khi mua đất các khu dân cư tự phát Anh LAV (quê Trà Vinh) kể sau nhiều năm lên TP Cần Thơ sinh sống và làm việc, bản thân anh cũng muốn có chỗ ở ổn định để an tâm công tác. Cách đây khoảng ba năm, anh được giới thiệu và mua hai nền nhà ở phường An Thới (quận Bình Thủy). Theo anh V, qua tìm hiểu, khu đất anh mua có một chủ đầu tư mua đất vườn (đất trồng cây lâu năm), sau đó san lấp mặt bằng và phân lô, bán nền cho người có nhu cầu. “Toàn bộ khu này khoảng 44 nền, theo tìm hiểu, những người mua đa số là cán bộ, công chức nên tôi mua hai nền. Lúc mua bán thì cho sang tên chuyển nhượng, tuy nhiên khi tôi mua xong địa phương lại không cho chuyển mục đích sử dụng đất thành thổ cư” - anh V bức xúc. Do bức xúc về nhà ở nên anh V đã tự bỏ tiền xây dựng trên phần đất đã mua hai căn nhà cấp 4, thế nhưng trong lúc đang xây dựng, phía chính quyền phường An Thới đã lập biên bản yêu cầu anh tháo dỡ. “Mua đất rồi đầu tư gần 1 tỉ đồng nhưng vẫn phải ở nhà trọ, hiện giờ tôi đã về quê sinh sống và bỏ phế phần đất đã mua” - anh V cho biết. |