"Việt Nam khá thận trọng trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi nhanh hậu COVID-19. Hầu hết các biện pháp mới chỉ là các gói gián tiếp mang tính giãn, hoãn, chưa tới 1% GDP" là đánh giá của các chuyên gia kinh tế. Vậy Việt Nam cần làm gì trong thời gian tới?
Việt Nam còn dư địa tăng hỗ trợ cho nền kinh tế
“Các chính sách tài khóa của Việt Nam mới hỗ trợ khoảng 2% GDP, là mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Việt Nam hoàn toàn có dư địa để tăng lên, nhưng quan trọng hơn là hiệu quả, nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả thì về mặt số lượng cũng không có ý nghĩa nhiều”, TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhận định.
“Việt Nam khá thận trọng trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi nhanh, hầu hết mới là các gói gián tiếp mang tính giãn, hoãn, chưa tới 1% GDP. Các chính sách có vẻ lúng túng, chính sách tài khóa 2021 không có mục nào là chống COVID-19 cả. Cả giai đoạn tới cũng không có mục nào là tài chính dành cho COVID-19, mà chỉ dùng ngân sách dự phòng để xử lý. Điều đó cho thấy chúng ta không có quy định nào rõ ràng về tình trạng khẩn cấp của thảm họa như các nước”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Giải pháp nào giúp Việt Nam phục hồi kinh tế
Vậy giải pháp sắp tới để dẫn vốn cho nền kinh tế vực dậy ra sao? Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá XV cho rằng “Từ kinh nghiệm quốc tế, quan ngại lớn nhất hiện nay là tình trạng “zombie”, là những doanh nghiệp không có khả năng tồn tại ngay cả khi được trợ cấp, kéo dài tình trạng “xác sống” trước khi rút khỏi thị trường. Sợ nhất là khoản vay đó không đi vào đúng đối tượng.
Xu hướng hiện nay là tạo ra sự sàng lọc mạnh mẽ, làm mới lại các khu vực doanh nghiệp, phương châm là không gượng dậy trên con đường cũ mà phục hồi mạnh mẽ trên con đường mới. Ở đây có 2 thứ là tiếp tục xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phải sử dụng các biện pháp thị trường, tránh hành chính hóa”.
Ông Lê Xuân Nghĩa thì khuyến nghị nên tránh việc đưa ra gói kích thích tài trợ lãi suất như năm 2009. Nó đã làm tốc độ tăng trưởng tăng lên rất cao, kéo theo lạm phát. Đấy là cách làm không đạt hiệu quả như mong muốn, thứ hai là năng lực quản trị của ngân hàng trung ương thời điểm đó chưa được như bây giờ.
“Chính phủ cần cân nhắc hạn chế việc tham gia của các ngân hàng vào những chính sách có tính chất kích thích nền kinh tế như giảm phí, giảm lãi suất, giãn hoãn nợ bởi điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho các ngân hàng thương mại trong cả ngắn, trung và dài hạn.
Có những lựa chọn khác để kích thích kinh tế, chẳng hạn thông qua chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ như: Chính phủ phát hành khối lượng trái phiếu đủ lớn để có được nguồn lực nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề tài chính của các tập đoàn lớn.
Việc bảo lãnh cũng có thể thực hiện thông qua hình thức phát hành trái phiếu, Chính phủ sẽ bảo lãnh trực tiếp trái phiếu của những doanh nghiệp lớn đã, đang và sẽ phát hành nhằm bảo vệ các tập đoàn này, đồng thời bảo vệ lòng tin của nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Xem thêm: odl.707189-oas-ar-nen-91-divoc-auq-touv-man-teiv-et-hnik-hciht-hcik-iog/et-hnik/nv.gnodoal