vĐồng tin tức tài chính 365

Phục hồi và phát triển kinh tế: Gỡ nút thắt tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

2021-12-07 14:35

Theo thống kê, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam có mặt ở hầu hết các địa phương, các ngành, các khu vực của nền kinh tế, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam (trong đó số doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chỉ chiếm 1,6%) đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, nên khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng, hoạt động của DNNVV gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, có việc tiếp cận các nguồn vốn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ DNNVV bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tiếp cận vốn như: Cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ, chế biến xuất khẩu.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn trong tiếp cận các gói tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh - Ảnh minh họa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn trong tiếp cận các gói tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa

Đồng thời có các chính sách hỗ trợ như: Nghị định số 42/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết 406/2021/NQ-QH15 về một số giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch; Thành lập Quỹ phát triển DNNVV; Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại thu xếp các gói tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thương mại đối với doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng…

Tuy nhiên, với đại đa số là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với đặc thù quy mô nhỏ, ít tài sản bảo đảm, chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa cao, nên khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các DNNVV hạn chế.

Thực tế, một khảo sát của Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho thấy, chỉ có khoảng 38 - 45% DNNVV tiếp cận được vốn tín dụng, còn lại phần lớn đều gặp trở ngại về các điều kiện, thủ tục vay vốn của ngân hàng như: Tài sản đảm bảo, tỷ lệ vốn tự có, chứng minh khả năng tài chính, vấn đề quản trị doanh nghiệp, quản lý dòng tiền, trong khi các thông tin trên báo cáo tài chính lại chưa minh bạch... dẫn tới hàng chục nghìn DNNVV phải ngừng hoạt động hoặc giải thể do không có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Từ thực trạng đã nêu, TS. Phạm Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất, phải xử lý “điểm nghẽn” khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Theo đó, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV chủ yếu là bảo lãnh tín chấp để đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng có sự bảo lãnh của Quỹ, rà soát lại điều kiện doanh nghiệp được bảo lãnh theo hướng “thoáng” hơn điều kiện vay vốn từ Ngân hàng, phối hợp với Ngân hàng tăng cường thẩm định tính hiệu quả của phương án, dự án vay vốn, tăng cường kiểm tra sau khi cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, đảm bảo doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn sẽ trả nợ gốc và lãi vay đủ, đúng hạn cho Ngân hàng, tiếp tục rà soát theo hướng giảm lãi suất cho vay sâu hơn đối với DNNVV.

Đồng thời, thực hiện gói hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, Quốc hội thu xếp gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 7 - 10% GDP), tương đương với mức dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng với thời gian tối đa 2 năm để hỗ trợ DNNVV.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất, phải xử lý “điểm nghẽn” khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại... - Ảnh minh họa
Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất, phải xử lý “điểm nghẽn” khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại... Ảnh minh họa

Đối với Quỹ Phát triển DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, theo ông Hùng, cần rà soát các điều kiện vay vốn theo hướng thông thoáng hơn, bằng cách tăng cường kiểm tra sau vay. Cần minh bạch trong các hoạt động của Quỹ từ khâu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, thông tin cho vay và giải ngân thông qua dịch vụ công trực tuyến để giảm chi phí cho DNNVV.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng đề xuất, phát triển nền tảng gọi vốn cộng đồng cho DNNVV nhằm giúp lấp khoảng trống trên thị trường tín dụng, giúp DNNVV có vốn thông qua dòng tín dụng mới, với chi phí thấp hơn kênh tín dụng truyền thống. Trong điều kiện các DNNVV còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, việc huy động vốn cộng đồng thông qua hình thức trực tuyến là biện pháp rất cần được phát triển.

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết.

“Các gói vay lãi suất 0% hoặc với lãi suất thấp trong thời hạn từ 3 - 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ. Việc mở rộng diện xem xét vay tín chấp đối với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm cũng cần tính đến vì đây là khó khăn chính về mặt thủ tục của các cơ sở kinh doanh khi tiếp cận tín dụng”, ông Tuấn đề xuất.

Xem thêm: lmth.24680000042210202-auv-av-ohn-peihgn-hnaod-ohc-gnud-nit-taht-tun-og/nv.semitaer

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Phục hồi và phát triển kinh tế: Gỡ nút thắt tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools