Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa có thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao trong ban quản trị doanh nghiệp.
Trong đó, HĐQT nhà thầu xây dựng này chính thức nhận được đơn từ nhiệm của bà Trịnh Quỳnh Giao, thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2022. Bà Giao sẽ không còn đảm nhiệm vai trò trong ban quản trị Coteccons từ ngày 6/12.
Theo ban lãnh đạo công ty, bà Giao đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hoạch định chiến lược, tư vấn đầu tư và tài chính doanh nghiệp. Bà là một trong những nhân sự cấp cao đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu của Coteccons giai đoạn chuyển giao của ban điều hành cũ và mới trong 2 năm 2020-2021. Bà cũng là nhân sự giữ vai trò cùng HĐQT Coteccons xây dựng và triển khai sơ đồ cơ cấu tổ chức và tuyển dụng nhân sự.
"Tháng 12/2021 đánh dấu bước ngoặt việc bà Trịnh Quỳnh Giao đã hoàn thành sứ mệnh tại Coteccons trong giai đoạn 2020-2021 và sẽ chuyên tâm theo đuổi mục tiêu sự nghiệp tập trung trong lĩnh vực tài chính'' - theo thông cáo của Coteccons.
Trên thị trường tài chính, bà Trịnh Quỳnh Giao được biết đến với bề dày kinh nghiệm tham gia HĐQT các doanh nghiệp lớn như Hoa Sen, FPT, Thủy sản Minh Phú... và quản lý các khoản đầu tư của Red River Holding trong nhiều công ty xây dựng và bất động sản lớn như Phát Đạt, Hà Đô, BCI, Licogi…
Bà Giao đại diện nhóm cổ đông ngoại The8th, nắm giữ 10,42% cổ phần. Trong căng thẳng giữa ban lãnh đạo cũ (Chủ tịch là ông Nguyễn Bá Dương) với nhóm cổ đông lớn (Kusto) vào giữa năm 2020, The8th cũng đã có động thái tố cáo ban lãnh đạo cũ, đứng về phía Kusto. The8th là một trong hai cổ đông ngoại đóng vai trò chính trong sự việc tranh chấp quyền lực cùng nhóm ban lãnh đạo cũ tại Coteccons do ông Nguyễn Bá Dương làm Chủ tịch và ông Nguyễn Sỹ Công làm Tổng Giám đốc.
Ông Nguyễn Bá Dương và hàng loạt lãnh đạo rời "ghế nóng", chuyện gì đang xảy ra tại Coteccons?
Cùng với cổ đông ngoại Kusto, The8th nhiều lần tố cáo ban lãnh đạo cũ vi phạm lợi ích doanh nghiệp và yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương cùng ban lãnh đạo cũ rời khỏi vị trí lãnh đạo Coteccons.
Việc bà Giao rời ghế thành viên HĐQT, The8th sẽ tạm thời không có người đại diện sở hữu vốn tại Coteccons.
Trước bà Giao, một nhân sự cấp cao khác của Coteccons là ông Trần Trí Gia Nguyên cũng từ nhiệm khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc từ ngày 30/11, chỉ sau một năm gia nhập. Ông Gia Nguyên là lãnh đạo của Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC). Năm 2020, sau khi Coteccons biến động thượng tầng, ông đầu quân cho công ty xây dựng này.
Về hoạt động kinh doanh Coteccons, năm nay là năm đầu tiên nhà thầu xây dựng này hoạt động dưới ban điều hành và quản trị mới, trong đó chủ yếu là nhân sự của Kusto. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của công ty đang gặp nhiều khó khăn với khoản lỗ đầu tiên trong quý III vừa qua.
Coteccons lần đầu báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp xuống mức thấp nhất trong 8 năm qua còn 1.070 tỷ đồng, kéo theo khoản lỗ sau thuế gần 12 tỷ đồng.
Sau 9 tháng đầu năm, doanh thu của Coteccons chỉ đạt 6.189 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận ròng lũy kế của công ty chỉ đạt 88 tỷ đồng, giảm hơn 75% so với cùng kỳ năm trước.
Phía Coteccons lý giải kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh trong kỳ phức tạp hơn và giá cả nguyên vật liệu xây dựng leo thang, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản, xây dựng nói riêng, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tập đoàn.
Năm 2021, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.413 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 340 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 2% so với thực hiện trong năm 2020. Như vậy, so với mục tiêu lợi nhuận năm nay, Coteccons chỉ mới hoàn thành hơn 25% kế hoạch. Nếu không có nguồn lợi nhuận đột biến vào quý cuối năm, mục tiêu kinh doanh năm 2021 của Coteccons gần như không thể đạt được.
Người thay ông Nguyễn Bá Dương ngồi "ghế nóng" tại Coteccons là ông Bolat Duisenov, quốc tịch Kazakhstan - CEO của Kusto đồng thời là đại diện của nhóm cổ đông lớn này.
Trước tình hình kinh doanh ảm đạm, vừa rồi, ông Bolat Duisenov đã thông báo mua vào 740.000 cổ phiếu CTD của Coteccons với mục đích đầu tư từ ngày 26/11 đến ngày 24/12, ước tính lượng cổ phiếu có giá 50 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên ông Bolat Duisenov đăng ký mua vào cổ phiếu CTD. Dù là Chủ tịch HĐQT của công ty đầu ngành xây dựng Việt Nam, ông chưa từng sở hữu cổ phiếu CTD nào trước đây. Khi giao dịch hoàn tất, tỉ lệ cổ phần Coteccons của ông Bolat Duisenov nắm giữ là 0,9% vốn CTD.
Đồng thời, ông Duisenov cũng khẳng định rằng, bản thân ông cam kết chỉ nhận mức lương 1 USD (chưa tới 22.700 đồng) cho đến khi tình hình kinh doanh của công ty được cải thiện.
"Hãy kiên nhẫn và đồng hành, những quả ngọt sau này, chúng ta sẽ cùng hái", ông Bolat Duisenov nói.
Coteccons cho biết năm 2022 sẽ tập trung vào mục tiêu mới tăng trưởng và tập trung nâng cao năng lực cốt lõi là xây dựng, nâng cấp tiêu chuẩn cao nhất trong lĩnh vực này nhằm đáp ứng với đòi hỏi về kỹ thuật và yêu câu khắc khe của các đối tác quốc tế, đồng thời mở rộng đa dạng hoá các lĩnh vực mới EPC, hạ tầng, những cải tiến và kỹ thuật mới trong việc mang lại các giải pháp thân thiện môi trường, nâng cao tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, đặc biệt các quy tắc nhằm hướng đến quy chuẩn chống tham nhũng.