Thông tin này được bà Marie Damour, đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nêu ở diễn đàn thương mại Việt - Mỹ, ngày 7/12.
Theo bà Marie, hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt - Mỹ đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, giáo dục tới năng lượng, công nghệ... "Doanh nghiệp hai nước đang duy trì phát triển mạnh mẽ hợp tác đầu tư bất chấp những tác động từ dịch Covid-19", bà nói.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam với những dự án quy mô lớn, góp phần tạo dựng cho Việt Nam chỗ đứng ngày càng vững chắc trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Hiện Mỹ đứng thứ 11 trong số các quốc gia rót vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với gần 10 tỷ USD.
Không riêng các doanh nghiệp Mỹ tìm thấy sức hút đầu tư tại Việt Nam, mà ngược lại doanh nghiệp Việt cũng hiện diện nhiều hơn tại thị trường Mỹ.
Điển hình là việc hãng xe Vinfast công bố đầu tư hơn 200 triệu USD tại Califonia (Mỹ) để phát triển các dòng xe điện tại thị trường này, tạo ra hơn 1.000 việc làm cho người dân địa phương. Hay đường bay thẳng thường lệ đầu tiên của Vietnam Airlines tới Mỹ sau 20 năm, được bà Marie nêu là dẫn chứng cho những hợp tác thành công giữa hai nước.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cũng đồng tình khi cho rằng, những bất ổn của thương mại toàn cầu và nguy cơ đình trệ gây ra bởi dịch Covid-19 nhìn từ góc độ tích cực lại là cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp. Đó là cơ hội gợi mở hướng kinh doanh, phát triển chuỗi cung ứng mới, trong đó có các hệ thống cung ứng dự phòng đặt tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo sự bền vững và tính liên tục.
Hơn 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001.
Số liệu của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại tăng lên 91 tỷ USD vào năm 2020, tăng gần 20% so với 2019. Đến hết tháng 10, thương mại song phương đạt 89,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 76,7 tỷ USD và nhập gần 13 tỷ USD từ Mỹ.
Liên quan đến tình hình thị trường Mỹ, ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, thông tin kinh tế nước này đang phục hồi và tăng trưởng khá. Tuy nhiên, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch đang để lại di chứng nặng nề, đó là thiếu hụt hàng hóa kể cả tiêu dùng.
Ông Sơn nói đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng ổn định sản xuất, tăng tốc, tiếp tục đảm bảo chuỗi cung hàng hóa sang Mỹ. "Nguồn cung hàng hoá từ Việt Nam sụt giảm mạnh từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nên khi thị trường mở lại là cơ hội để các nhà cung cấp từ Việt Nam tăng sản xuất, cung ứng hàng cho đối tác Mỹ", ông nhận xét.
Dù vậy, để khôi phục sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, theo bà Virginia Foote, Chủ tịch Amcham Hà Nội điều quan trọng nhất là tăng độ phủ vaccine cho người dân, lao động.
Ngoài ra, bà Foote nhắc tới việc tạo thuận lợi hóa thương mại, chính sách thuế, thủ tục hành chính... như là điều kiện để tăng giao thương giữa doanh nghiệp hai nước.
Còn ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, doanh nghiệp hai nước cần phát huy cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA) để kiến tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư, kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
"Trong trạng thái bình thường mới và bối cảnh mới, hai nước cần hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại và giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại còn tồn tại thông qua đàm phán. Việc này nhằm bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng, cũng như tránh gây tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất vốn đã chịu thiệt hại bởi đại dịch", ông nhấn mạnh.
Anh Minh