Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) dự kiến sẽ đề xuất quy định mới năm 2022 nhằm chỉ cho phép các ngân hàng và công ty dịch vụ chuyển tiền phát hành Stablecoin. Stablecoin (tiền ổn định) là các loại tiền mã hóa có giá trị được gắn với một đồng tiền pháp định như USD hay Yen Nhật, hoặc một loại tài sản ổn định như kim loại quý, với mục đích hạn chế mức độ thiếu ổn định về giá trị như của Bitcoin và các loại tiền mã hóa hàng đầu khác.
Cuộc khủng hoảng nợ bao trùm Tập đoàn bất động sản China Evergrande đã khiến dư luận chú ý trở lại vào tuyên bố về mức độ ổn định của Stablecoin từ phía các công ty phát hành. Tether, Stablecoin có vốn hóa thị trường lớn nhất vào thời điểm hiện tại, được đảm bảo chủ yếu bởi thương phiếu - một loại giấy chứng nhận ghi nợ ngắn hạn do doanh nghiệp phát hành. Dưới sức ép yêu cầu minh bạch, tháng 9 vừa qua Tether Limited đã tuyên bố rằng công ty này không sở hữu thương phiếu hay nợ do Evergrande phát hành.
Trong một báo cáo xuất bản cuối tháng 10/2021, giới quản lý tài chính Mỹ, bao gồm cả Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ, đã nói: "Để kiểm soát rủi ro đối với người dùng stablecoin và ngăn chặn đột biến rút stablecoin hàng loạt, pháp luật nên yêu cầu bên phát hành stablecoin phải là định chế ký thác được bảo hiểm và nằm dưới quyền kiểm soát và quản lý thích hợp, ở cả cấp độ định chế ký thác và công ty chủ quản”.
Vốn hóa thị trường của stablecoin phát hành bởi các nhà phát hành Stablecoin lớn nhất đã vượt mốc 127 tỷ USD vào tháng 10/2021, theo báo cáo nói trên của giới quản lý tài chính Mỹ.
Giống với khuyến nghị được đưa ra tại Mỹ, FSA có quan điểm rằng việc chỉ cho phép các ngân hàng và công ty chuyển tiền (vốn được pháp luật yêu cầu bảo vệ tài sản của khách hàng) phát hành stablecoin là một cách giảm thiểu rủi ro cho người dùng coin.
FSA cũng sẽ thắt chặt các quy định ngăn ngừa rửa tiền. Các bên trung gian tham gia vào giao dịch và quản lý Stablecoin, ví dụ như bên cung cấp dịch vụ ví điện tử, sẽ được FSA quản lý. Các bên trung gian này cũng sẽ phải chấp hành pháp luật tại Nhật Bản về ngăn ngừa giao dịch chuyển tiền tội phạm, bao gồm việc xác nhận danh tính người dùng và báo cáo lại các giao dịch khả nghi.
Tuy mang lại rủi ro nhất định, Stablecoin được cho là có những tiềm năng nhất định đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, cho phép các bên chuyển tiền và thanh toán với chi phí thanh toán rất thấp. Do đó, một nhóm gồm nhiều ngân hàng lớn và khoảng 70 công ty và tổ chức tại Nhật Bản đang có kế hoạch phát hành một loại tiền điện tử mới được đảm bảo bằng tiền gửi ngân hàng, sớm nhất vào năm 2022.
Tùng Phong (Theo Nikkei Asia)