“Bước sang năm 2022, khi những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn còn đó, khi những thói quen sinh hoạt bị thay đổi, khi xu thế phát triển kinh tế đang có những dịch chuyển lớn… thì để đẩy nhanh tiến trình phục hồi, hướng đến phát triển vươn lên trong giai đoạn tới đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt tốt xu thế và phát huy được những thế mạnh của mình”.
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên lưu ý như vậy khi phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên sáng 7-12.
HĐND tỉnh Phú Yên họp kỳ cuối năm. Ảnh: TẤN LỘC
Theo ông Phạm Đại Dương, cùng với phòng chống dịch COVID-19, tỉnh Phú Yên đã chủ động nghiên cứu để đề ra những giải pháp thích ứng với bối cảnh dịch bệnh cũng như để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, cùng với việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tỉnh đang phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM cũng như tham vấn ý kiến một số chuyên gia trong và ngoài tỉnh để xây dựng kế hoạch chiến lược phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh bền vững.
Chiến lược này sẽ là sự kết hợp của những giải pháp tổng thể của Trung ương như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chuyển đổi số… và những giải pháp đặc thù về phát huy thế mạnh của tỉnh.
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên kêu gọi toàn dân đồng lòng, vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế. Ảnh: TL
Ông Dương nêu rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh Phú Yên đang đẩy nhanh để hoàn thành chính là công tác lập quy hoạch tỉnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng để tỉnh xác định rõ được những thế mạnh và các giải pháp để khai thác được những thế mạnh đó.
“Qua quá trình xây dựng, lập quy hoạch tỉnh, có thể thấy rằng ngoài tiềm năng lớn về du lịch thì nông nghiệp và kinh tế biển là hai thế mạnh mà chúng ta có thể khai thác trong thời gian tới”- ông Dương nói.
Đối với nông nghiệp, vai trò của an ninh lương thực và trụ đỡ kinh tế của ngành nông nghiệp trở nên quan trọng hơn khi chuỗi cung ứng, lưu thông gặp nhiều khó khăn. Để phát huy thế mạnh của ngành nông nghiệp thì cần thiết phải áp dụng công nghệ vào nhằm tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Ông Dương dẫn chứng vừa qua, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành chương trình hành động về tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực có chất lượng, giá trị kinh tế.
Đối với kinh tế biển thì biển vừa là nguồn lợi nuôi trồng, đánh bắt hải sản to lớn, vừa là tiềm năng du lịch và cũng vừa là cửa ngõ giao thương. Phát huy kinh tế biển trên cơ sở tiếp cận những xu thế mới là động lực quan trọng để 28 tỉnh ven biển nói chung, Phú Yên nói riêng phát triển nhanh và bền vững.
Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành chương trình hành động về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là khu kinh tế Nam Phú Yên; Chương trình hành động về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Cảng Vũng Rô ngày càng sôi động, thu hút nhiều tàu hàng. Ảnh: NGÔ XUÂN
Theo ông Dương, để có thể phát huy được các thế mạnh trên, Phú Yên cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đưa công nghệ vào phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh, quản trị xã hội.
Chính COVID-19 đã đẩy nhanh tiến trình số hóa và khẳng định vai trò của công nghệ trong giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội trên toàn cầu. Xu thế này là tất yếu và đòi hỏi cần hành động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để phát huy những thế mạnh của mình và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm chuẩn bị điều kiện phát triển cho giai đoạn tới. Đẩy nhanh tiến độ, tăng cường đầu tư công, thu hút đầu tư ngoài xã hội nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản trị xã hội để tạo thói quen, xây dựng nền tảng số cho phát triển kinh tế số. Làm tốt được những nội dung trên, chúng ta hoàn toàn có thể sớm phục hồi và đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Còn nhiều khó khăn, hạn chế Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế mà cần thẳng thắn nhìn nhận. Cụ thể là 8/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng không đạt kế hoạch và có mức tăng trưởng khá thấp so với cùng kỳ. Trong đó, GRDP chỉ tăng 0,33% (kế hoạch 7,35%), là mức tăng trưởng thấp nhất so với các năm gần đây và đạt thấp so với bình quân chung của cả nước; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm 6,5% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn và tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tuy có tăng so với cùng kỳ nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Các dự án lớn, quan trọng của tỉnh triển khai thực hiện còn chậm, nhất là các dự án ngoài ngân sách. Số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chậm quyết toán theo quy định còn nhiều. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc lập quy hoạch tỉnh chậm so với tiến độ đề ra. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 chậm phê duyệt. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ở một số địa phương thực hiện chưa quyết liệt. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc quy hoạch, tổ chức đấu giá các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chậm. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đạt thấp so với kế hoạch; tình trạng lấn chiếm đất đai, lòng, lề đường buôn bán, xây dựng nhà ở, công trình trái phép, xây dựng không theo quy hoạch còn diễn ra nhưng chưa kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết. Chất lượng một số dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc mua sắm một số loại thuốc, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị phòng, chống dịch, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo quy định còn chậm. Tình hình an ninh trật tự có lúc, có nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; giải quyết ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri còn chậm… |