TPHCM - Dù du lịch đã dần vận hành trở lại nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó khăn vì không có khách. Nhiều doanh nghiệp chưa dám khởi động lại vì sợ rủi ro do chưa rõ khi nào thì "mở cửa".
“Mở cửa, hoặc là chết” - đó là quan điểm mà ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn, đưa ra cho ngành du lịch hiện nay tại Tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế". Lấy ví dụ từ công ty của ông, vào tháng 4, doanh nghiệp khai trương mô hình phố đêm ẩm thực tại Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ sau vài ngày đã ngưng tới bây giờ.
“Với số lượng khách du lịch không lớn như vậy, mở ra rồi gánh chi phí còn khốn khổ hơn. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày chi phí đè nặng, bòn rút chút sức lực cuối cùng của doanh nghiệp. Vì thế, chúng tôi tha thiết kỳ vọng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Tổng cục Du lịch làm càng sớm càng tốt, mở cửa du lịch đúng nghĩa. Khó ở đâu, doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành gỡ tới đó", ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cũng đặt lại câu hỏi là Việt Nam có thật sự muốn mở cửa hay không? Chúng ta nói là sống chung với COVID-19 nhưng chưa có thật sự như vậy. Nhiều địa phương rất tiêu điều vì không có khách. Thế nhưng vẫn có những quy định hết sức vô lý. Khách từ TP.HCM xuống Vũng Tàu không cho ở lại, vậy họ đến làm gì?
Về chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, ông Kỳ thiết tha đề nghị trợ giúp cho doanh nghiệp du lịch vì lực lượng này đang thở ống, phải cung cấp “oxy” đủ lớn mới giải quyết được các vấn đề. Muốn tăng vốn bằng nhiều kênh nhưng lãi suất vẫn siết doanh nghiệp. Ngành ngân hàng có thể chấp nhận tín chấp bằng kế hoạch kinh doanh vì nhiều công ty không còn tài sản thế chấp; xem xét giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 5% trong vòng 2-3 năm tới như Chính phủ từng thực hiện trong giai đoạn từ 2009 – 2011; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để công ty có tích lũy,…đó là các giải pháp mà các doanh nghiệp kiến nghị lâu nay.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, thành phố đang ở giai đoạn 2 mở rộng du lịch nội thành, liên tỉnh và đang gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn 3 nhằm khôi phục toàn bộ hoạt động du lịch nội địa và quốc tế. Hiện tại, ngành du lịch đã sẵn sàng để đón du khách quốc tế ngay khi được phép. Trong đó, về doanh nghiệp và lực lượng lao động du lịch, TPHCM có gần 5.000 cơ sở lưu trú, khoảng 1.300 doanh nghiệp lữ hành và gần 150.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Tỉ lệ lao động du lịch tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 đã đạt 83%, sẵn sàng mở cửa phục vụ khách du lịch. Trong kế hoạch thí điểm, TPHCM dự tính sẽ phục vụ khách với những chương trình du lịch trọn gói tại thành phố hoặc kết hợp nhiều điểm đến giữa TPHCM và các địa phương được chấp thuận đón khách quốc tế.
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết, giữa tháng 11, sau khi Chính phủ cho phép các địa phương đón khách quốc tế, TP.HCM đã mạnh đạn đề xuất Chính phủ cho phép được đón khách quốc tế từ ngày 1.12. Mặc dù được Bộ VH-TT-DL rất ủng hộ nhưng đề án của TPHCM vẫn đang chờ lấy ý kiến các bộ, ngành khác.
Xem thêm: odl.879189-auc-om-gnogn-hcil-ud-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal