Quan điểm này của VKSND Tối cao thể hiện trong cáo trạng vừa ban hành (lần hai), truy tố Nguyễn Văn Thới (45 tuổi); Lê Thị Cẩm Vân (39 tuổi) và 7 đồng phạm về tội Đưa hối lộ.
Nguyễn Cảnh Chân (48 tuổi) là cán bộ CSGT duy nhất (thuộc Đội 1 Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) bị xử lý hình sự về tội Môi giới hối lộ.
Cáo trạng của VKS không đề cập đến các vấn đề TAND Cấp cao tại TP HCM yêu cầu điều tra bổ sung về hành vi nhận hối lộ của 80 CSGT, thanh tra giao thông - được nêu ra trong bản án phúc thẩm tháng 10/2019.
Trước đó, Bộ Công an khi hoàn tất kết luận điều tra lần hai, xác định những nội dung này đã được thu thập tài liệu chứng cứ, làm rõ và nêu trong các kết luận điều tra ban đầu. Quá trình điều tra lại không phát sinh tài liệu, chứng cứ mới nên Bộ Công an giữ nguyên quan điểm như trước - không có căn cứ xử lý hình sự nhóm CSGT và thanhh tra giao thông nhận hối lộ.
Cáo trạng mới nhất của VKSND Tối cao xác định, năm 2014, 2015, nhóm Thới lập đường dây bán "logo xe vua" cho các tài xế, chủ xe tải chạy trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM để không bị CSGT kiểm tra, xử phạt khi chở hàng quá tải trọng. Giá mỗi logo được bán 2,5-3 triệu đồng mỗi tháng.
Sau khi "bắt tay" với các CSGT và Thanh tra giao thông, Thới và Trần Quốc Thái (46 tuổi) in logo số 68 và Garage Thành Đô; Vân in logo Xe chở hàng bán cho các chủ xe dán ở kính trước - ký hiệu cho những CSGT đã nhận tiền bảo kê, không bị dừng xe kiểm tra.
Thới và đồng phạm đã thu được gần 23 tỷ đồng. Trong đó, Thới dùng khoảng 5 tỷ để đưa hối lộ 79 lần (mỗi lần ít nhất 9 triệu và nhiều nhất 150 triệu đồng cho CSGT, thanh tra giao thông); 17,8 tỷ dùng để nộp phạt cho các xe bị xử lý, chi phí thuê người cảnh giới CSGT và hưởng lợi 1,3 tỷ đồng.
Trong đó, Thới hai lần đưa cho Nguyễn Cảnh Chân 1,2 tỷ đồng. Chân đưa cho Võ Thanh Sơn (Đội trưởng Đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) hơn 650 triệu đồng và ông Đỗ Hữu Tuyến (Phó phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) 300 triệu đồng, còn lại sử dụng cá nhân. Tuy nhiên, ông Sơn đã chết, ông Tuyến không thừa nhận nên Chân phải chịu trách nhiệm với toàn bộ số tiền đã nhận của Thới.
Vân bán logo được gần 8 tỷ đồng, đưa hối lộ hết 630 triệu đồng, thu lợi bất chính gần 1,6 tỷ đồng, số còn lại nộp phạt cho những tài xế bị xử lý.
Hồi tháng 10/2018, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Thới 14 năm tù, Vân 9 năm và Thái 10 năm về tội Đưa hối lộ. Chân nhận 8 năm tù về tội Môi giới hối lộ. Liên quan đến vụ án, 6 bị cáo khác bị phạt từ một năm 6 tháng 23 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) đến 4 năm tù.
Chấp nhận mức án, các bị cáo Thới, Thái và Chân không kháng cáo. Bị cáo Vân và 6 đồng phạm khác xin giảm nhẹ hình phạt.
Hồi tháng 10/2019, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm điều tra xét xử lại nên không xem xét kháng cáo của các bị cáo.
Theo HĐXX phúc thẩm, cáo trạng ban đầu của VKS nêu rất rõ những người nhận hối lộ. Trong đó, Thới đã hai lần đưa cho Chân 1,2 tỷ đồng. Chân đưa lại cho sếp Võ Thanh Sơn và ông Đỗ Hữu Tuyến. Ngoài ra, cáo trạng cũng nêu đích danh nhiều cán bộ nhận tiền của Thới và Vân cùng đồng phạm. Tuy nhiên, những người này lại không được điều tra xử lý.
Quá trình điều tra, Thới, Vân cung cấp số điện thoại của các CSGT này và có thể nhận diện... "Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã cho đối chất sơ sài. 80 cán bộ CSGT, thanh tra giao thông các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM không được điều tra triệt để...", bản án phúc thẩm nêu.
Trong kết luận điều tra lần hai, Bộ Công an cho rằng, dù các bị can đã khai tên tuổi, chức vụ, nhận dạng và cung cấp số điện thoại nhưng các cán bộ này không thừa nhận đã nhận tiền bảo kê. Ngoài lời khai một phía của các bị can, không có tài liệu, chứng cứ trực tiếp, gián tiếp chứng minh... sai phạm.
"Việc bản án nhận định cơ quan điều tra không tiến hành đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thực hiện việc đối chất sơ sài, không trọn vẹn là phiến diện theo chủ quan của cá nhân thẩm phán", kết luận điều tra nêu.
Hải Duyên
Xem thêm: lmth.7839934-auv-ex-ogol-yad-gnoud-auc-neit-nahn-tgsc-av-art-hnaht-08-ot-yurt-gnohk/ten.sserpxenv