Sửa chữa quốc lộ 1 hư hỏng tại Phú Yên - Ảnh: DUY THANH
Tại Phú Yên, cử tri đề nghị Sở GTVT có giải pháp căn cơ trong tham mưu xử lý việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường quốc lộ 1 qua tỉnh này, tránh tình trạng năm nào cũng vá, vá rồi lại lở, sửa chữa rồi tiếp tục hư.
Ông Nguyễn Phương Đông - giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên - nói rằng năm nay do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài đã làm phát sinh nhiều ổ gà, sình lún, hư hỏng mặt đường gây mất an toàn giao thông trên quốc lộ 1.
Sở GTVT, Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Yên thường xuyên kiểm tra hiện trường và tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí biển báo, duy trì công tác đảm bảo an toàn giao thông và tiến hành sửa chữa triệt để các hư hỏng mặt đường ngay khi thời tiết thuận lợi.
Hiện Cục Quản lý đường bộ III (đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì tuyến quốc lộ 1) đã báo cáo Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN bố trí kinh phí khoảng 210 tỉ đồng để thực hiện trong năm 2022. "Giải pháp căn cơ và lâu dài cần phải sớm thực hiện đầu tư sửa chữa tăng cường toàn bộ mặt đường tuyến quốc lộ 1, còn trước mắt tập trung tại các vị trí thường bị hư hỏng" - ông Đông nói.
Tại Sóc Trăng, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên học sinh chưa đến trường học trực tiếp, thay vào đó phải học trực tuyến.
Tuy nhiên, cử tri cho rằng không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua điện thoại hoặc máy tính cho con em mình.
Cử tri đề nghị hỗ trợ kinh phí cho học sinh là con em hộ nghèo, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để mua điện thoại, máy tính phục vụ học trực tuyến, đồng thời tiếp tục miễn giảm học phí học kỳ 2 năm học 2021 - 2022 cho học sinh ở các cấp học.
Cử tri cũng đề nghị tỉnh rà soát số lao động di chuyển từ vùng dịch về địa phương do ảnh hưởng dịch bệnh, có kế hoạch hỗ trợ, tạo việc làm và tạo điều kiện cho con em người lao động được học hành.
Tại An Giang, báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri được ông Nguyễn Tiếc Hùng - chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh An Giang - trình bày tại kỳ họp cho thấy cử tri bức xúc nhất là giá phân bón đã tăng từ 500.000 đồng/bao lên 1.530.000 đồng/bao, trong khi giá các mặt hàng nông sản thấp, rất khó tìm đầu ra như lúa, chanh, mít, xoài...
"Đặc biệt cử tri tại các huyện Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân và thị xã Tân Châu kiến nghị các ngành chức năng phải tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng nằm ngoài nghị quyết 68 của Chính phủ như: người bốc vác, người làm thuê xịt thuốc, làm cỏ, thu hoạch nông sản, thu hoạch thủy hải sản, người xe tơ - dệt chiếu, người làm cỏ mướn, cõng gạch, mua bán quần áo, lái xe 4 bánh thuê..." - ông Hùng nói.
Cần Thơ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất
Trả lời chất vấn tại phiên họp HĐND TP Cần Thơ chiều 7-12 về giải pháp phục hồi kinh tế, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết trước hết là phải quản lý, kiểm soát được dịch COVID-19.
Sau khi kiểm soát được dịch sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là cơ chế về tài chính.
Cần Thơ sẽ áp dụng đầy đủ quy định của trung ương về miễn giảm tiền thuê đất, tiền thuế; giảm, giãn, tạm không thu, tạm miễn; giảm giá tiền điện, tiền nước... để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ông Hiển cho biết Ngân hàng Chính sách xã hội đang cho vay để doanh nghiệp trả nợ lương, phục hồi sản xuất. Các hệ thống tín dụng đang có nhiều chính sách ưu đãi cung cấp vốn và lãi suất ưu đãi để giúp doanh nghiệp có được vốn sản xuất.
Ngoài ra sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng được thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các nguồn hàng, tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng hơn nữa ưu đãi mà VN đã ký kết với các tổ chức như hiệp định FTA, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
Về lộ trình, phương án cho trẻ mầm non đến trường, Phó chủ tịch thường trực UBND kiêm giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết TP mới tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi; còn công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục đã tiêm vắc xin mũi 2 hơn 95% và theo đó hết năm 2021 thì vắc xin này sẽ phát huy hiệu quả (đều qua 14 ngày khi tiêm mũi 2).
Trên cơ sở đó, TP dự kiến cho trẻ đến trường học trực tiếp vào đầu năm 2022 và trong tuần đầu của năm mới thì cho trẻ lớp lá đến trường trước.
C.QUỐC
Hà Nội phấn đấu năm 2022 GRDP tăng 7 - 7,5%
Hà Nội có nhiều điểm phong tỏa hẹp để phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Tại kỳ họp thứ ba HĐND TP Hà Nội khóa XVI ngày hôm qua, Phó chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết kinh tế của thủ đô đã dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dự kiến GRDP năm 2021 của TP tăng khoảng 2,35 - 3%.
Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 có 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, GRDP tăng 7 - 7,5%, GRDP/người khoảng 139 - 141 triệu đồng, vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 10%, kim ngạch xuất khẩu tăng 5%...
Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay tăng trưởng GRDP của TP cả năm mặc dù không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7,5%) nhưng vẫn duy trì ổn định, cân đối thu - chi ngân sách vẫn được bảo đảm.
Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, kỷ luật, kỷ cương hành chính được củng cố; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường...
Ông Dũng lưu ý từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cần quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu của nhân dân; quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, sức khỏe và tinh thần của nhân dân, không để việc lợi dụng dịch bệnh xảy ra biến động về giá lương thực, thực phẩm.
Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 là một trong các nội dung hết sức quan trọng cần được xem xét, thảo luận tại kỳ họp.
Theo ông, thời gian tới sẽ tiếp tục củng cố, nâng công suất các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở thu dung, điều trị F0; thực hiện cách ly F1, điều trị F0 tại nhà nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và điều kiện an toàn khi thực hiện, phù hợp với diễn biến, tình hình dịch bệnh.
PHẠM TUẤN
TTO - Sáng 7-12, kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM khóa X khai mạc. Kỳ họp tập trung xem xét thông qua nghị quyết phát triển liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, biên chế - tổ chức trong những năm tới.
Xem thêm: mth.48655818080211202-hnis-nad-ed-nav-ueihn-ex-om-hnaht-hnit-cac-dndh-poh/nv.ertiout