Tác giả bài viết trao cờ cho chiến sĩ đảo Trường Sa - Ảnh: NVCC
Năm 2016, với cương vị quyền bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khối các cơ quan trung ương và được Bộ tư lệnh Hải quân, Bộ Tài nguyên - môi trường hỗ trợ, tôi dẫn đoàn thanh niên sinh viên tiêu biểu của 59 bộ, ngành, viện hàn lâm, các trường ĐH trong khối lên tàu HQ571 ra thăm 11 đảo và nhà giàn tại huyện đảo Trường Sa.
Ngày chúng tôi đến điểm dừng cuối của hành trình - ngày 2-6-2016 - cũng là ngày đại tá Lê Kiêm Toàn, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, Quân chủng phòng không - không quân, hạ cánh chiếc máy bay Cảnh sát biển CASA 212, số hiệu 8983 xuống sân bay đảo Trường Sa Lớn.
Sự có mặt trên đảo của các chiến sĩ cảnh sát biển khiến lễ thượng cờ của đoàn công tác tàu HQ571 càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Lá cờ do Đồn biên phòng Lũng Cú gửi tặng Trường Sa được nâng trên đôi tay tôi đan với đôi tay của toàn bộ thành viên đoàn và của cả các cán bộ chiến sĩ.
Khi lá cờ được mở ra, không ai bắt nhịp, mà tất cả cùng hát vang Đoàn quân Việt Nam đi, mắt chạm mắt, chạm ánh sáng cháy lên khát khao cống hiến để lá cờ Tổ quốc mãi tung bay, từ điểm địa đầu đến nơi đảo xa nối liền một dải mãi không chia lìa...
Sau đó đúng hai tuần, anh Toàn đã ở lại vĩnh viễn trong lòng biển cả, với bầu trời xanh của Tổ quốc. Anh hy sinh trên đường đi tìm đồng đội.
Còn với tôi, một phần ký ức tuổi trẻ của tôi vẫn ở lại đảo xa, với ký ức về lễ thượng cờ và bài Quốc ca thiêng liêng:
"Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mau ra sa trường,
Tiến lên, cùng tiến lên.
Nước non Việt Nam ta vững bền".
Khi lá cờ được mở ra, tất cả mọi người đã cùng hát Quốc ca - Ảnh: NVCC
Với đa số người Việt Nam - dù là thiếu niên hay người trưởng thành, có hai thời điểm bài Quốc ca làm trái tim đập thôi thúc hơn một chút với những cảm xúc rõ rệt về Tổ quốc.
Đó là lần hát Quốc ca trong lễ khai giảng đầu tiên và khi bài ca ấy vang lên ở một nơi xa như tôi ngày ấy. Với rất nhiều người, bài Quốc ca là cuộc sống hằng ngày, là động lực và là đích đến.
Tối 6-12-2021, các "chiến binh sao vàng" đặt tay lên lá cờ Tổ quốc, hát vang bài Tiến quân ca. Hàng triệu khán giả hòa cùng nhịp điệu, chia sẻ quyết tâm chiến thắng.
Nhưng với 1,4 triệu người Việt Nam theo dõi trận đấu trên YouTube, quyền được hòa với nhịp điệu bài Quốc ca thiêng liêng đã bị tước bỏ.
Pháp luật có thể cho phép xác nhận bản quyền với một bản thu âm, nhưng pháp luật và lẽ phải đều không cho phép bất kỳ sự chiếm hữu nào đối với những giá trị chung của cả một cộng đồng, một quốc gia dân tộc.
Và nếu vấn đề này không được giải quyết tận gốc bằng sự điều chỉnh các quy định của pháp luật trên cơ sở định nghĩa chính xác quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, có thể sẽ còn nhiều lần tắt tiếng như thế nữa xảy đến với bản Quốc ca thiêng liêng đã được cố nhạc sĩ Văn Cao tự nguyện hiến dâng cho muôn triệu người Việt Nam.
Đó là điều không được phép cả về luật và lẽ phải.
TTO - Việc doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020 trên một số nền tảng số là trái quy định pháp luật.
Xem thêm: mth.61490347080211202-mit-gnort-tah-iab/nv.ertiout