70% dân số đã tiêm đủ 2 liều vắc xin
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo báo cáo tiêm chủng, tính đến ngày hôm nay (8/12), Việt Nam đã tiêm mũi 1 cho 97% người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, mũi 2 đạt khoảng 70%. Riêng với việc tiêm chủng vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi đã có khoảng 5 triệu trẻ em được tiêm.
"Như vậy, về cơ bản chúng ta đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiếp tục tiêm mũi 2. Theo phấn đấu trong năm 2021 chúng ta sẽ tiêm xong mũi 2, và bắt đầu chúng ta sẽ tiêm mũi nhắc lại cho các đối tượng này khi đủ thời gian. Trong thời gian này chúng ta cũng sẽ tiếp tục tiêm phòng vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời báo chí.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ thêm rằng vào năm 2022, Việt Nam sẽ tập trung tâm mũi nhắc lại cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên; tiêm vét cho đối tượng chưa được tiêm vì nhiều lý do như chống chỉ định, tạm hoãn hoặc lý do khác; tiếp tục tiêm trẻ em.
Liên quan tới vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ em, Thứ trưởng Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã tiếp cận nguồn vắc xin tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi sau khi có hướng dẫn của WHO. Bộ Y tế sẽ phấn đấu giữa năm 2022, cơ bản hoàn thành tiêm xong nhắc lại cho người trưởng thành và tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
"Ngay từ đầu chúng ta đã nỗ lực tiếp cận nguồn vắc xin, vì thế đến giờ, với số vắc xin ký hợp đồng cung ứng và các nguồn hỗ trợ khác nhau, cơ bản đủ vắc xin tiêm cho người trưởng thành mũi 1, 2, nhắc lại cho người trưởng thành và cho trẻ em từ 12-17 tuổi", Thứ trưởng nói.
Tử vong do Covid-19 có nhiều nguyên nhân
Khi được hỏi tại sao tỷ lệ tiên vắc xin mũi 2 là gần 70% nhưng số ca tử vong trong những ngày gần đây có xu hướng tăng trở lại? Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay: "Tỷ lệ bệnh nhân nhiễm virus bị tử vong của chúng ta so với thế giới vẫn thấp nhiều. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho số ca bệnh tử vong còn cao.
Hiện nay, Bộ Y tế đã giao cho Sở Y tế và cục Quản lý Khám chữa bệnh (KCB) xác định nguyên nhân cụ thể. Khi tìm ra nguyên nhân chính thức kết luận từ Cục KCB chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí.
Tuy nhiên, bước đầu nhận định của chúng tôi, các trường hợp tử vong xuất hiện ở bệnh nhân có bệnh lý nền, mạn tính, người cao tuổi sức khỏe yếu…".
Để hạn chế tử vong, Việt Nam cần chuyển sang chiến lược mới. Theo Thứ trưởng, hiện nay, về cơ bản người trưởng thành đã tiêm mũi 1. Do vậy, các trường hợp mắc Covid-19 nhẹ đã có hướng dẫn điều trị tại nhà. Trường hợp nặng sẽ đưa vào cơ sở điều trị.
"Hiện Bộ Y tế đang tiếp cận các loại thuốc đều trị, hiện đang lưu hành và nghiên cứu trên thế giới đưa lượng thuốc về với tỷ lệ cao nhất đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng.
Các loại thuốc này đã được cấp phép và hướng dẫn chuyên môn của WHO và trong nước.
Khi thuốc điều trị Covid-19 được đưa về đầy đủ sẽ góp phần điều trị giảm thiểu tử vong. Hiện chúng ta cũng đã tiếp cận một số loại thuốc được đưa về sử dụng, một số loại thì đang trong quá trình thử nghiệm nghiên cứu, kết thúc mới cấp giấy phép", Thứ trưởng cho biết.
Về vấn đề có nên xét nghiệm kháng thể sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 để biết được hiệu quả của vắc xin hay không, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay: "Ngay từ ban đầu khi dịch xảy ra, Bộ giao các Viện nghiên cứu đánh giá vấn đề này. Hiện nay, các viện đang nghiên cứu các trường hợp đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 và đã mắc Covid-19. Trong thời gian tới chúng tôi đề nghị sớm công bố nghiên cứu" .
Từ 17h30 ngày 06/12 đến 17h30 ngày 07/12, cả nước ghi nhận 217 ca tử vong do Covid-19.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 202 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.700 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Theo Ngọc Minh
Doanh nghiệp và Tiếp thị