Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast) vừa phát hành thành công 35 triệu trái phiếu mã VIFCB2124002, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Số tiền Vinfast thu về từ đợt phát hành trái phiếu này là 3.500 tỷ đồng.
Trước đó, hôm 10/11, VinFast cũng chào bán thành công 15 triệu trái phiếu cho 1 nhà đầu tư trong nước. Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu này là 1.500 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng chưa đầy 1 tháng, VinFast đã thu về 5.000 tỷ đồng trái phiếu.
Hai lô trái phiếu trên đều có kỳ hạn 36 tháng, ngày đáo hạn là 1/11/2024. Lãi suất cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 9%/năm. Đối với các kỳ tính lãi còn lại, lãi suất thả nổi và bằng tổng của 3,9%/năm và lãi suất tham chiếu.
Số tiền thu được từ cả hai đợt chào bán trái phiếu này sẽ được VinFast thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của công ty. Cụ thể, VinFast sẽ thanh toán các chi phi bao gồm nhưng không giới hạn mua sắm máy móc, thiết bị, bản quyền, dịch vụ… để đầu tư cho dự án tổ hợp sản xuất ô tô VinFast.
Tập đoàn Vingroup (MCK: VIC) bảo lãnh vô điều kiện và không huỷ ngang cho toàn bộ nghĩa vụ thanh toán của VinFast.
Tài sản bảm đảm cho hai lô trái phiếu này là cổ phần VHM thuộc sở hữu của Vingroup; toàn bộ bất động sản và quyền tài sản ở dự án Công viên văn hoá và du lịch sinh thái Vinpearlland thuộc sở hữu bởi Vinpearl; cùng các tài sản bổ sung, thay thế khác.
Thương vụ do CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TSBC) làm tổ chức bảo lãnh phát hành và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) làm tổ chức nhận tài sản bảo đảm.
Ngày 3/12 vừa qua, HĐQT Vingroup phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ 51,52% vốn góp trong Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast Việt Nam) cho Công ty VinFast Trading and Investment Pte.Ltd. - một công ty con của tập đoàn có trụ sở chính tại Singapore (VinFast Singapore).
Sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% vốn của VinFast Singapore, theo đó gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Tập đoàn vẫn duy trì tỉ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện tại.
Theo Vingroup, vệc tái cấu trúc này nằm trong quá trình chuẩn bị cho VinFast IPO tại Mỹ, là nền tảng quan trọng trong chiến lược trở thành thương hiệu toàn cầu của công ty.
Theo bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, lý do phải "đi đường vòng" niêm yết công ty VinFast Singapore thay vì IPO trực tiếp VinFast Việt Nam trên sàn chứng khoán Mỹ do việc niêm yết các công ty Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Mỹ chưa thực hiện được do thiếu sự liên thông về pháp lý và các cơ chế phối hợp liên quan.
"Do đó để có thể niêm yết tại Mỹ, VinFast bắt buộc phải thực hiện việc niêm yết qua VinFast Singapore vì Singapore là nước đã có sự liên thông với Mỹ trong lĩnh vực này" - bà Thuỷ nói.
Ngoài thị trường Mỹ, VinFast còn đưa vào hoạt động các chi nhánh tại Canada, Pháp, Đức, Hà Lan.
Theo Reuters, Vingroup đang đàm phán với các nhà đầu tư, bao gồm Quỹ Đầu tư Quốc gia Qatar và tập đoàn BlackRock, để huy động khoảng 1 tỷ USD cho VinFast.
Tính đến cuối tháng 11, VinFast có vốn điều lệ xấp xỉ 50.500 tỷ đồng, là doanh nghiệp có vốn điều lệ cao nhất trong "hệ sinh thái" các công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.