Ban Kinh tế trung ương làm việc với các địa phương về tổng kết Nghị quyết 26 - Ảnh: Đ.TRUNG
Chiều 8-12, Ban Kinh tế trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến với tỉnh, thành ủy ba tỉnh Đồng Nai, An Giang, Cần Thơ tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội nghị do ông Nguyễn Duy Hưng, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, chủ trì.
Đặt câu hỏi "làm gì để người nông dân được hưởng lợi một cách công bằng hơn, cải thiện đời sống người nông dân bền vững trong thời gian tới?" - ông Nguyễn Tú Anh, vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế trung ương), chỉ ra thực tế vừa qua là tác động của dịch COVID-19 khiến cho người nông dân dễ bị tổn thương hơn, ngay cả những người dân đã ly nông, ly hương.
Ông dẫn chứng, tỉ lệ người lao động mất việc làm lên tới hơn 3 triệu người, một bộ phận không nhỏ đã quay trở về quê hương, chuyển đổi việc làm, trong đó có khu vực nông nghiệp, nhưng khu vực này cũng chỉ hấp thụ tăng thêm chưa đến 500.000 việc làm.
"Dòng lao động lại di cư ngược, tạo ra sức ép lớn trong đời sống người nông dân. Rõ ràng việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đặt kế hoạch tổng thể chung cả nền kinh tế, đảm bảo ly nông bất ly hương là vấn đề lớn" - ông Tú Anh nói.
Ông Nguyễn Duy Hưng - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương - khá băn khoăn khi các địa phương có tiềm năng nhưng đặt mức tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn so với chỉ tiêu tăng trưởng chung.
"Phát triển nông nghiệp gắn công nghiệp dịch vụ, làm sao ly nông không ly hương, lời giải ở đâu?" - ông đặt câu hỏi khi chỉ ra thực tế là cơ chế thu ngân sách hiện nay tạo áp lực lớn cho các tỉnh nên để phát triển thuần nông rất khó khăn. Nhiều địa phương phải triển khai dự án công nghiệp, đô thị để tăng thu.
"Nhưng làm sao hài hòa lợi ích người dân và lợi ích chung, trong đó có thu ngân sách. Do đó, tới đây chính sách cho nông nghiệp nông thôn, tín dụng tiếp cận thế nào, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong đầu tư nông nghiệp..." - ông Hưng nêu vấn đề.
Từ địa phương, đại diện Cần Thơ lý giải tăng trưởng nông nghiệp không thể theo kịp các khu vực khác. Bởi trong bối cảnh đất lúa giảm dần, cần tập trung kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp, sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với quy mô lớn gắn với chế biến sản phẩm chủ lực, ngành hàng có chất lượng...
"Nếu ta bám chặt đất trồng lúa, ứng dụng công nghệ cao thế nào hơn nữa thì năng suất cũng không thể tăng. Nên giờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng vẫn giữ diện tích đất trồng lúa, sản xuất chủ yếu quy mô nhỏ lẻ sẽ là cản trở, khó khăn lớn trong phát triển theo hướng quy mô lớn, tập trung, nên thu hút nhà đầu tư còn hạn chế" - đại diện này cho hay.
Ông Cao Đức Phát - nguyên phó trưởng ban Kinh tế trung ương - cũng bày tỏ lo ngại khi trong nhiều năm qua với Nghị quyết 26, nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành. Thế nhưng vai trò của nông nghiệp ngày càng giảm khi tỉ trọng giảm, 81% thu nhập khu vực nông thôn vẫn từ lĩnh vực phi nông nghiệp, mặc dù giá trị đóng góp tăng cao.
Do đó, ông Phát cho rằng vấn đề là cần phải chuyển từ sản xuất với giá trị thấp sang các cây trồng có giá trị cao hơn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao sản xuất nông nghiệp. Vấn đề tích tụ ruộng đất đang được đề xuất như một chính sách khuyến khích ngành nông nghiệp.
Và theo quy định Luật đất đai hiện nay cũng đã đưa ra quy định có thể mua gấp 10 lần theo hạn mức. Do đó, việc tích tụ ruộng đất nếu được tính đến, ông băn khoăn là cần phải "mở" ở mức bao nhiêu để phù hợp với nhu cầu hiện nay.
TTO - Theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 vừa được Quốc hội thông qua, đến năm 2030 sẽ giảm gần 350.000ha đất lúa, trong đó có khoảng 174.000ha đất chuyên trồng lúa.
Xem thêm: mth.39932856180211202-noh-gnab-gnoc-iol-gnouh-coud-nad-gnon-ed-ig-mal/nv.ertiout