Thủ tướng chủ trì cuộc họp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Ảnh: VGP
Ngày 8-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong thời gian qua và các định hướng lớn trong thời gian tới.
Báo cáo của BHXH Việt Nam, số người tham gia bảo hiểm đã tăng so với kế hoạch, vượt chỉ tiêu đề ra khi trong 2 năm gần đây tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 10 năm từ 2008 - 2018. Bảo hiểm y tế (BHYT) cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân, về đích trước thời hạn so với mục tiêu.
Đến hết tháng 11-2021, số người tham gia BHXH đạt 16,202 triệu người, BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, đạt 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức (vượt 1,6% chỉ tiêu được giao); 88 triệu người tham gia BHYT, đạt hơn 90% dân số.
Công tác chuyển đổi số được đặc biệt chú trọng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu hơn 98 triệu dân. Thanh tra và giám sát theo phương thức điện tử tăng, mang lại hiệu quả. Việc giải quyết chính sách hỗ trợ rút ngắn chỉ còn 1 ngày làm việc.
Đánh giá cao các kết quả đạt được, đặc biệt là hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, quỹ kết dư gần 1 triệu tỉ đồng, song Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra, chính sách, pháp luật về bảo hiểm (BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện - BHTN) còn bộc lộ bất cập, cần sửa đổi, bổ sung.
Tốc độ gia tăng người tham gia bảo hiểm còn chậm, tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, số người hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ, chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm vẫn còn xảy ra.
Cùng với yêu cầu bám sát chủ trương, chính sách và pháp luật liên quan, Thủ tướng đề nghị phải nhận thức thật sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về vai trò của an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Dứt khoát không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, là mục tiêu và là động lực phát triển. Cần dựa trên 3 trụ cột chính của an sinh xã hội gồm phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị hoàn thiện thể chế, tính đến việc thành lập tổ công tác để rà soát các vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức - cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm. Tăng kiểm tra, giám sát, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thất thoát, lợi ích nhóm, tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm…
Thủ tướng lưu ý việc quản lý, sử dụng Quỹ BHXH phải vừa bảo đảm quyền lợi của người đóng bảo hiểm, vừa bảo đảm an toàn, tăng trưởng và phát triển, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, vì lợi ích chung.
Trong đó tập trung vào chuyển đổi số và xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu; ứng dụng công nghệ thông tin để vừa tạo nhanh chóng, thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách, vừa phòng chống trục lợi.
Cần rà soát lại, xây dựng lộ trình khắc phục hiệu quả các tồn tại, hạn chế; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để dân hiểu, dân biết, dân tin, dân nghe, dân theo, dân làm trong thực hiện chính sách BHXH.
Thủ tướng giao các cơ quan chức năng tổng hợp các kiến nghị của BHXH Việt Nam, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tinh thần chung là ủng hộ, không để ách tắc công việc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao năng lực, tạo điều kiện tốt hơn cho BHXH Việt Nam, đặt lợi ích dân tộc quốc gia lên trên hết, trước hết.
TTO - Ngày 30-11, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có công văn gửi công đoàn các cấp về thực hiện một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng.