vĐồng tin tức tài chính 365

Nhạc sĩ Phú Quang đã ”... bỏ đi, trần gian xin trả lại”

2021-12-09 07:16

Nhạc sĩ Phú Quang không ly dị trong tình yêu với Hà Nội nhưng ngày 8-12, ông đã gói ghém tình yêu đó sang một cõi khác.

Ông đã rời cõi tạm, để lại cho những người yêu âm nhạc của ông những “Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/ Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm”. Con đường vắng, hàng phố cũ rêu phong… của Hà Nội giờ không còn bóng dáng một người yêu cuồng, yêu si Hà Nội đến thế.

Nhạc sĩ Phú Quang đã ”... bỏ đi, trần gian xin trả lại” - ảnh 1
Nhạc sĩ Phú Quang trong một chương trình âm nhạc của ông.
Ảnh: MINH CHUYÊN

Gia tài hơn 600 ca khúc về Hà Nội

Sáng 8-12, fanpage của nhạc sĩ Phú Quang đăng dòng trạng thái là lời bài hát Lời rêu của ông để báo tin buồn: “Ngày mai ta bỏ đi/ Trần gian xin trả lại...”. Nhắc đến nhạc sĩ Phú Quang, người yêu nhạc nhớ nhiều đến những ca khúc về Hà Nội, nhất là mùa thu. Nói như đạo diễn Lê Hoàng thì Phú Quang đã “bán” Hà Nội. Một giao dịch không văn tự. Nhưng bán theo nghĩa đen của nó thì chính là bán vé để xem ca nhạc mang thương hiệu Phú Quang. Những liveshow mang thương hiệu Phú Quang đều đặn đến với người Hà Nội, những người đến với âm nhạc của ông trong các chương trình âm nhạc, nói như từ dùng thời nay là những tệp khách hàng chung thủy với âm nhạc của ông.

Ông nổi tiếng với những bản tình ca, những ca khúc trữ tình như Em ơi Hà Nội phố, Mơ về nơi xa lắm, Nỗi nhớ mùa đông, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Về lại phố xưa... những ca khúc đã trở thành một phần của Hà Nội. Bên cạnh đó là rất nhiều ca khúc nổi tiếng khác như Điều giản dị, Biển nỗi nhớ và em, Chiều đông Mátxcơva, Một dại khờ một tôi, Khúc mùa thu, Thương lắm tóc dài ơi, Mùa hạ còn đâu...

Trong số kho tàng hơn 600 bài hát của ông có những ca khúc viết về Hà Nội đã nằm lòng với nhiều người dân thủ đô, trong đó phải kể tới ca khúc Em ơi Hà Nội phố, ra đời năm 1986. Ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ Em ơi Hà Nội phố được nhà thơ Phan Vũ viết vào năm 1972, trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm trong mưa bom B52 xối xả.

 

“Âm nhạc một màu là đóng góp lớn nhất của Phú Quang”

Nhiều khi ta hay nghĩ nhạc của Phú Quang không được phong phú về màu sắc, hay thậm chí cứ tạm gọi là một màu nhưng thực tế, đó lại là đóng góp lớn nhất của ông.

Màu sắc âm nhạc trữ tình, tự sự và đoạn điệp khúc bùng nổ cảm xúc là một trong những đặc trưng của Phú Quang. Phú Quang đã nắm bắt được, hoàn chỉnh và đưa nó đến mức độ phổ cập, “mặc định” với cái tên Phú Quang.

Nhà nghiên cứu âm nhạc NGUYỄN QUANG LONG

Hiểu và yêu Hà Nội từ sâu thẳm bên trong

Năm 2014, nhạc sĩ Phú Quang, người vừa được vinh danh là một trong 10 công dân thủ đô ưu tú nhân 60 năm ngày giải phóng thủ đô diễn ra tại TP Hà Nội vào ngày 10-10.

Tôi gặp ông trong căn nhà ở một ngõ nhỏ của Hà Nội thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Cuộc trò chuyện của chúng tôi ngày hôm đó chủ yếu nói về Hà Nội, nơi ông đã từng tạm xa và lại trở về. Nhớ về những ngày phải rời xa thủ đô để vào nương náu đất Sài thành, nhạc sĩ Phú Quang xúc động nói: “Tôi đã từng có lúc ghen tị với những người ở Hà Nội khi họ không phải đem theo nỗi nhớ Hà Nội ra đi. Nhưng sau này tôi mới hiểu chỉ đi xa, mình mới biết mình yêu đất ấy đến nhường nào”.

Hà Nội với Phú Quang có từ những khi ông còn nhỏ, khi ông còn là một đứa trẻ thường đánh bi, đánh đáo, chơi với đám bạn ở ven Hồ Tây. Ông và đám bạn rủ nhau lên rạp Kim Đồng xem phim, xem chưa đã lại về xem thêm ở mấy cái ống nhòm của các ông bán kẹo kéo. Rồi những âm thanh như tiếng tàu điện cũng đã đi suốt tuổi thơ ông.

“Và con người Hà Nội nữa, đừng xét nét quá vào vẻ bên ngoài mà phải hiểu từ thẳm sâu bên trong của họ thì sẽ thấy họ rất đáng yêu” - ông bộc bạch.

Tác giả của Em ơi Hà Nội phố cũng dành cho TP.HCM nhiều tình cảm yêu quý, ông bảo mảnh đất ấy đã ưu ái cho ông rất nhiều. Mảnh đất ấy đã tạo điều kiện để ông phát huy khả năng của mình. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm ấy không lúc nào ông thôi nhớ về Hà Nội, lúc nào ông cũng nghĩ chỉ cần có thể là ông về ngay lập tức. Mỗi năm ông có tới 5-7 lần về Hà Nội và mỗi lần như thế thường ở lại nửa tháng.

Khi được hỏi về tình yêu của mình với Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang nói: “Tình yêu của tôi với Hà Nội là một thứ tình yêu không thể ly dị được. Cuộc sống biến đổi nhưng tôi cho rằng khi người nghệ sĩ hiểu được thấu đáo đời sống hôm nay thì sẽ có tác phẩm hay. Muốn hiểu được tình yêu đó như thế nào, có lẽ chúng ta phải đi xa”.

Chia sẻ với tác giả bài viết về những nỗi nhớ Hà Nội của mình khi đang ở TP.HCM, nhạc sĩ Phú Quang nói: “Có những nỗi nhớ tưởng như cụ thể mà không cụ thể, đôi khi chỉ là một ánh mắt, một cái bím tóc đuôi sam thôi, hay cả những nụ hôn lạnh ngày đông. Ngày xưa, Hà Nội có ai chờ nhau ở khách sạn đâu mà toàn chờ nhau ở gốc cây. Khi tôi đến thì cô gái của tôi ngồi dưới cơn mưa phùn, với vòng tay ướt và vành môi lạnh. Đó là những điều nhỏ bé nhưng khi đi xa rồi mới thật sự thấy nó thiêng liêng nhường nào”.

Đề cập đến những sáng tác của mình về Hà Nội, ông bảo gần như những nhạc sĩ nổi tiếng đều có bài về Hà Nội. Người khác có thể viết một cách trực diện hơn, còn ông hay trầm tư và nghĩ về tình yêu của mình.

Với ông, mỗi người sáng tác có những mảng miếng, màu sắc khác nhau nhưng đọng lại đó đều là tình yêu thật. Nhạc của ông đều là những bài hát cất lên từ tình yêu thật với Hà Nội muôn đời…•

 

Nhận giải thưởng lớn vì tình yêu Hà Nội

Nhạc sĩ Phú Quang được vinh danh “Công dân thủ đô ưu tú năm 2014” trong lễ mít-tinh kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thủ đô.

Năm 2020, nhạc sĩ Phú Quang vinh dự nhận giải thưởng lớn trong lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Bà Trịnh Anh Thư, vợ nhạc sĩ Phú Quang, đã làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2021 cho chồng khi ông đang trên giường bệnh.

Xem thêm: lmth.3052301-ial-art-nix-naig-nart-id-ob-ad-gnauq-uhp-is-cahn/aoh-nav/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhạc sĩ Phú Quang đã ”... bỏ đi, trần gian xin trả lại””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools