Sáng 9-12, HĐND TP Hà Nội đã chất vấn, trả lời chất vấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm qua, định hướng của TP trong giai đoạn tới.
Các đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm đến khả năng phòng chống dịch của TP khi số ca F0 thời gian qua gia tăng nhanh, cùng với đó là số ca mắc mới ngoài cộng đồng ngày càng nhiều.
Chưa phát hiện biến chủng mới Omicron
ĐB Nguyễn Thanh Bình (quận Tây Hồ) lo ngại từ ngày 11-10 đến nay (từ khi TP thực hiện Nghị quyết 128) số ca mắc mới bình quân lên 3 con số/ngày. “Đề nghị Giám đốc Sở Y tế dự báo tình hình dịch ở Thủ đô thời gian tới, đặc biệt là khi đã xuất hiện biến chủng Omicron như thế nào? Giải pháp quản lý F1, điều trị F0 tại nhà ra sao?” - ĐB Bình nêu câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tây Hồ)
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay: “Từ 11-10, số ca mắc COVID-19 tăng cao. Với tình hình này có thể lên tới 1.000 ca mắc mới/ngày. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Delta”.
Tuy nhiên, bà Hà cũng khẳng định Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh vì tỷ lệ bao phủ vaccine của TP đã cao, tỷ lệ tiêm chủng vaccine 2 đạt hơn 95%. “Hiện nay, dù số ca mắc tăng cao nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều F0 điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở” - bà Hà nói.
Về biến chủng Omicron, bà Hà nói biến chủng này ghi nhận nhiều nơi trên thế giới, có nhiều đột biến gene nhất, dự báo lây lan mạnh hơn, tái nhiễm nhiều hơn, tuy nhiên chưa có dữ liệu chứng minh có thể gây bệnh nặng hơn. Theo thông tin thì vaccine COVID-19 vẫn có tác dụng bảo vệ.
Tại Hà Nội dù chưa ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nhưng ngành y tế TP vẫn liên tục cập nhật thông tin để có giải pháp phù hợp như tăng cường tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ, nhân viên y tế; chỉ đạo CDC phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải mã biến chủng gene các trường hợp nghi ngờ; đề nghị dừng các chuyến bay về từ các quốc gia có biến chủng này…
Đã lên phương án ứng phó kịch bản 100.000 ca F0
Về khả năng ứng phó với kịch bản Hà Nội có thể xuất hiện hơn 100.000 ca bệnh, bà Hà cho biết: “TP đã có giải pháp đáp ứng điều trị 100.000 ca bệnh, phân luồng khoa học để không quá tải”.
Trong đó, F0 không triệu chứng điều trị tại nhà, tại cơ sở; thành lập các cơ sở thu dung tuyến thành phố đáp ứng khoảng 22.000 ca, tuyến quận huyện là 7.000 ca; các bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch thì 8.000 ca…
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà
TP cũng chuẩn bị đầy đủ, cấp phát cho người điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế lưu động. Các túi thuốc A, B, C, thuốc kháng virus sẵn sàng đáp ứng cho người dân.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng rà soát 2,1 triệu hộ gia đình, trong đó có 805.000 hộ đủ điều kiện để điều trị F0 nhẹ và cách ly F1 tại nhà. Hiện TP đang cách ly 21.000 F1 và điều trị 150 F0 tại nhà.
Về năng lực vận chuyển xe cứu thương, bà Hà cho biết Trung tâm 115 điều phối trên địa bàn. Sở Y tế phối hợp với Sở GT&VT đưa ra mô hình doanh nghiệp vận tải F0, F1, chuẩn bị 1.200 xe hành khách hoán cải thành xe vận chuyển người bệnh.
Báo cáo tại HĐND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, cho biết trong đợt dịch thứ 4 (từ 27-4 đến nay), TP ghi nhận tổng số 14.925 ca, trong đó 5.443 ca ngoài cộng đồng. Trong đó, riêng giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP tính từ ngày 11-10 đến trưa 8-12, TP ghi nhận 10.618 ca mắc (trung bình 186 ca/ ngày), trong đó 4.123 ngoài cộng đồng. Về công tác tiêm chủng, đến nay người từ 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt 94,3%, tiêm mũi 2 đạt 85%. Người trên 50 tuổi tiêm mũi 1 đạt 88,1%, tiêm mũi 2 đạt 83,6%. Trẻ em từ 15-17 tuổi tiêm mũi 1 đạt 94,9%; Trẻ em từ 12-14 tuổi tiêm mũi 1 đạt 75,9% và đang tiếp tục tiêm cho trẻ em theo tiến độ cấp vaccine của Bộ Y tế. |