Trong hơn một thập kỷ qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Cũng trong thời gian đó, thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn thương vụ được thực hiện thành công, đạt tổng giá trị hơn 50 tỷ USD. Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng.
10 tháng đầu năm 2021, thị trường M&A đã thu hút 8,8 tỷ USD
Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD.
Theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD với hơn 500 số thương vụ được công bố - tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch, năm 2019. Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch M&A đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính.
Thị trường tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nội hay ngoại. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên. Đã có 1,6 tỷ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước trong 10 tháng năm 2021. Trong đó, 1,13 tỷ USD, với 11 thương vụ được thực hiện bởi 5 công ty hàng đầu của Việt Nam, như Vingroup, Masan, NovaLand, Hoà Phát, Vinamilk.
Sự thu hút M&A ngày càng tăng tại Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét không chỉ qua sự tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch, mà còn qua giá trị bình quân trong mỗi giao dịch, khi ngày càng nhiều thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD được ghi nhận.
Việt Nam là một trong những điểm sáng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế
Ghi nhận tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2021 sáng nay, các chuyên gia đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
Sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm qua bất chấp bối cảnh đại dịch Covid 19 vẫn đang tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp và những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên nền kinh tế cho thấy, thị trường M&A Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn, và các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ.
Mặc dù vậy, nền kinh tế của Việt Nam vẫn ổn định nhờ phần lớn vào các biện pháp hữu hiệu từ Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, cũng như những nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài và sức tiêu thụ mạnh mẽ từ nhu cầu trong nước.
Việt Nam cũng đã và đang có nhiều nỗ lực để vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội để trở thành điểm dừng chân của làn sóng đầu tư mới của khu vực khi có xu hướng tái chuyển dịch dòng vốn toàn cầu.
Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhờ các quy định và chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bước sang năm 2022, mặc dù vẫn có những rủi ro nhất định trong bối cảnh Covid-19 và tác động của nó đến kinh tế vĩ mô, thị trường Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt với nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước. Trong tương lai, M&A sẽ tạo ra nhiều tập đoàn của Việt Nam với quy mô có thể sánh ngang với các tập đoàn lớn trong khu vực. Trong thời kỳ Covid-19, người mua trong nước có những lợi thế nhất định trọng việc thực hiện các thương vụ M&A.
Tri Túc
Doanh nghiệp và Tiếp thị