Trước tòa, bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) cho rằng mình bị oan; còn bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) thì thừa nhận ông đã không làm hết trách nhiệm.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn nói đã làm đầy đủ trách nhiệm
Trả lời VKS, bị cáo Tuấn khẳng định trong vụ chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, ông đã làm đầy đủ trách nhiệm của mình.
Cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến (trái) và cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI
Hồ sơ thể hiện ngày 11-5-2017, ông Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng, chủ tịch Hội đồng thẩm định của TP về chuyển nhượng dự án, đã tiến hành họp, thẩm định hồ sơ chuyển nhượng dự án trên. Sau cuộc họp, các thành viên của hội đồng thẩm định thống nhất cần xin ý kiến Chi cục Tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính.
Đến tháng 9-2017, Chi cục Tài chính doanh nghiệp TP có văn bản trả lời trích dẫn nguyên văn của Bộ Tài chính không có hướng dẫn hoặc có ý kiến gì thêm về việc áp dụng pháp luật cụ thể trong trường hợp chuyển nhượng dự án của SAGRI.
VKS cho rằng ông Tuấn biết rõ các quy định của pháp luật về việc SAGRI xin chuyển nhượng dự án bất động sản. Tuy chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng, ông Tuấn vẫn ký tờ trình kèm theo dự thảo của Quyết định số 6077/QĐ-UBND, gửi UBND TP đề xuất chấp thuận cho chuyển nhượng dự án trên.
Trong khi ông Tuấn cho biết căn cứ quy chế, việc họp hội đồng thẩm định phải lập biên bản. Nhưng cuộc họp này không lập biên bản. Có sự thiếu sót này là do sự phối hợp giữa phòng chuyên môn và văn phòng nên cuộc họp không lập biên bản. Về sau kiểm tra lại, ông mới biết không có biên bản cuộc họp.
Về dự án, ông Tuấn cho rằng khi thẩm định hồ sơ SAGRI đã rất cẩn trọng. Vì đây là một doanh nghiệp nhà nước. Việc làm văn bản hỏi ý kiến Chi cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính TP là thể hiện sự chặt chẽ của hội đồng.
“Hồ sơ đủ điều kiện chuyển nhượng, tuy nhiên đây là dự án liên quan đến việc quản lý vốn nhà nước kinh doanh nên trước khi tham mưu cho UBND TP thì đề nghị Sở Tài chính có ý kiến để đảm bảo chặt chẽ, không sai sót” - ông Tuấn trình bày.
Việc làm công văn hỏi là thể hiện sự cẩn trọng trong việc quản lý chuyển nhượng vốn đầu tư doanh nghiệp nhà nước ra ngoài doanh nghiệp. Nếu có vướng mắc trong điều kiện, thủ tục sẽ dừng hồ sơ.
Về quá trình thực hiện công vụ, ông Tuấn cho biết vụ việc này giờ nói áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản trước hay Luật Quản lý vốn tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trước thì thực ra không có quy định nào. Nhưng với trách nhiệm của mình, ông đã áp dụng đúng Luật Kinh doanh bất động sản. Và tờ trình của ông không có điểm nào trái với Luật Quản lý vốn tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
VKS đặt vấn đề có mâu thuẫn không khi ông nói hội đồng không thẩm định về giá trị vốn góp nhưng có văn bản đi hỏi về vấn đề này.
Ông Tuấn cho rằng không có mâu thuẫn. Đây là hồ sơ chuyển nhượng dự án bất động sản, do đó hội đồng không thẩm định vấn đề về chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài. Việc cho phép chuyển nhượng dự án này là thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản. Còn việc đi hỏi Chi cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính TP là đề phòng có những gì vướng mắc ngoài nhận thức và thẩm quyền không.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến: “Không có chuyện vì nể nang”
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến bị cáo buộc “tạo điều kiện” cho SAGRI chuyển nhượng dự án trên cho tư nhân, gây thiệt hại 672 tỉ đồng của Nhà nước. Cụ thể, hành vi của ông là căn cứ tờ trình, đề xuất của các sở, ngành đã chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với giá thấp hơn giá thị trường.
Trước tòa, ông Tuyến cho biết khi tiếp nhận hồ sơ của SAGRI xin chuyển nhượng cho Tổng công ty Phong Phú, ông đã đề nghị văn phòng xem xét lại tất cả kết luận thanh tra của UBND và phải ghi chữ “Mật” để người có chức trách mới được xem. Sau khi văn phòng trình, ông ghi “chờ rà soát lại kết luận” và năm ngày sau mới ký.
Bị cáo Tuyến cho rằng văn phòng báo cáo kết luận thanh tra thể hiện SAGRI “không có sai sót” nên mới ký. Tuy nhiên, khi ký ông không đọc hết toàn bộ kết luận thanh tra vì dài khoảng 50-70 trang nên ghi “văn phòng chịu trách nhiệm”.
Cũng theo ông Tuyến, về sau, khi xem xét lại kết luận thanh tra ông mới biết SAGRI sai phạm trong việc thoái vốn.
Trước tòa, ông thừa nhận “đã không làm hết trách nhiệm của mình nên dẫn đến phải đứng trước tòa ngày hôm nay. Nếu tôi làm hết trách nhiệm, kiểm tra đôn đốc các sở, ngành xem xét và hướng dẫn SAGRI thực hiện thoái vốn đúng quy định sẽ không xảy ra vụ án này”.
Trong cáo trạng, VKSND Tối cao có nêu quá trình điều tra ông Tuyến khai nguyên nhân sai phạm có phần do “nể nang ông Lê Tấn Hùng là em trai của cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải”. Tại tòa, VKS đặt vấn đề có phải vì động cơ “nể nang” nên biết sai vẫn ký không. Bị cáo Tuyến phủ nhận việc này và nói: “Vì nể nang mà biết sai vẫn ký là ngu dốt”.
Bị cáo Nguyễn Thanh Chương (nguyên trưởng Phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM) cũng thừa nhận khi trình hồ sơ cho ông Tuyến ký thì “chỉ xem qua, không đọc kỹ”.
Bị cáo Hùng sẽ đòi tiền các bị cáo tham ô Liên quan đến hành vi tham ô tài sản, quá trình điều tra bị cáo Lê Tấn Hùng (tổng giám đốc SAGRI) đã chủ động dùng tiền cá nhân nộp lại. Đến thời điểm hiện tại, SAGRI đã được hoàn trả số tiền 13,3 tỉ đồng mà các bị cáo đã tham ô. Tại tòa, HĐXX giải thích về nguyên tắc tội tham ô, bảy bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự là liên đới bồi thường lại số tiền đã tham ô. Bị cáo Hùng đã bỏ ra số tiền cá nhân để hoàn trả số tiền mà công ty bị thất thoát. Bị cáo Hùng có thể yêu cầu các bị cáo khác phải hoàn trả số tiền mà bị cáo đã tự ứng ra bồi thường. Ông Hùng cho biết do thời gian quá lâu, chưa xác định đã bỏ ra bao nhiêu để nộp lại nên chưa có cơ sở đòi lại khoản tiền này. Sau này khi tính ra số tiền cụ thể thì bị cáo sẽ có yêu cầu đối với từng bị cáo. |